Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Môi trường Hà Nội cho biết: Để thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm(Chương trình OCOP), trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Sự kiện được tổ chức nhằm hướng đến chào mừng kỉ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh(19/5/1890 -19/5/2025).
Các đại biểu và đông đảo nhân dân tham dự sự kiện
Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu, bản sắc văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP.
Sự kiện giống như ngày hội mua sắm đã thu hút hàng nghìn người dân tham gia.
Thành phố Hà Nội với vai trò là Thủ đô, nhưng với quy mô sản xuất nông nghiệp lớn, diện tích đất dành cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trên 197.000ha, thuộc Top đầu địa phương trong cả nước. Hà Nội hiện có 1.336 HTX nông nghiệp đang hoạt động; có 1.574 trang trại; 172 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; với hơn 160 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trên 14.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy suất nguồn gốc(QRcode).
Các gian hàng thu hút đông người tiêu dùng thăm quan, mua sắm.
Hà Nội hiện có trên 1.350 làng nghề, chiếm 40% làng nghề cả nước. Đặc biệt, trong năm 2025, Hà Nội vinh dự được Hội đồng Thủ công thế giới công nhận làng ngề Dệt lụa Vạn Phúc(Hà Đông), Gốm sứ Bát Tràng là thành viên chính thức của Thành phố sáng tạo Thủ công thế giới. Đây là hai làng nghề đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Thủ công thế giới kết nạp. Dự kiến trong năm 2025, Sở Nông ngiệp & Mội trường Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với Hội đồng Thủ công thế giới khảo sát làng nghề tiêu biểu trong thành phố, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng Thủ công thế giới công nhận 02 – 03 làng nghề là thành viên chính thức của Hội đồng Thủ công thế giới.
Về lĩnh vực ẩm thực của Thủ đô rất đa dạng và phong phú, tinh hoa với những bí quyết ngàn năm, gia truyền cùng với nhiều đặc sản vùng miền, tạo nên nhiều bản sắc văn hóa đáng tự hào.
Gian hàng giò chả Ước Lễ tấp nập người mua
Đây là tiềm năng lợi thế rất thuận lợi để Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP(chiếm 21,3% của cả nước); trong đó có 06 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao, 1.718 sản phẩm 3 sao; là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Các mặt hàng nông sản, sản phẩm chế biến sâu hút khách.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Môi trường Hà Nội nhận định: Các sản phẩm OCOP của thành phố đã nhanh chóng khẳng định được vị thế, được thị trường đón nhận tích cực nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, bộ ban ngành, sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của các chủ thể, doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP vân còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung, còn lệ thuộc nhiều vào liên kết vùng nguyên liệu đầu vào của các vùng miền trong cả nước, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao, các tiêu chuẩn quốc tế ngày một khắt khe.
Từ lượng mua bán hàng hóa tại sự kiện nhận thấy, người tiêu dùng Thủ đô rất ưa chuộng và yên tâm tin tưởng về chất lượng của các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của Hà Nội và các tỉnh.
Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, thời gian tới, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Môi trường Hà Nội chỉ đề nghị cần tập trung giải quyết một số vấn đề: Đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; Có quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; Phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa; Phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế,…
Với sự nỗ lực của các cấp ngành thành phố Hà Nội, người tiêu dùng Thủ đô đã có nhận thức đầy đủ về thương hiệu, chất lượng sản phẩm OCOP của Thủ đô. Thông qua các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại, tuần hàng, các chủ thể OCOP, các HTX, doanh nghiệp đã có được cầu nối trực tiếp tới người tiêu dùng, từ đó tạo động lực cho hoạt động sản xuất phát triển.
Sự kiện lần này diễn ra trong 05 ngày(từ ngày 15/5/2025 – 19/5/2025) với trên 100 gian hàng sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP các vùng miền và khu trưng bày trải nghiệm du lịch làng nghề, cây cảnh với trên 1.000 sản phẩm đến từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và 15 tỉnh miền núi phía bắc cùng với 13 tỉnh, thành phố trong nước.
Ngọc Minh