Thứ Năm, 21/11/2024 16:54:39 GMT+7
Lượt xem: 858

Tin đăng lúc 15-11-2024

Khai mạc Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2024

Tối 14/11/2024, tại Quảng trường Vườn hoa Phùng Khắc Khoan, Trung tâm huyện Thạch Thất, Sở Công Thương Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm các sản phẩm. mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thạch Thất – Thành phố Hà Nội năm 2024.
Khai mạc Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2024
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Triễn làm diễn ra trong vòng 4 ngày(từ ngày 14/11 -17/11/204), thu hút sự tham gia của các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, các Hội, Hiệp hội ngành nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thạch Thất với quy mô 100 gian hàng, trưng bày, giới thiệu khoảng 500 – 600 sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo của các nghệ nhân và làng nghề tiêu biểu tại huyện Thạch Thất và các huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

 

 

 Ông Hoàng Văn Lâm Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội phát biểu khai mạc Triển lãm

 

Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Hoàng Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết: Hà Nội là Thủ đô có trên 1.000 năm tuổi, vùng đất với bề dày lịch sử truyền thống, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Thủ đô Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc, các công trình kiến trúc cảnh quan độc đáo mà còn được biết đến với nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo được tạo ra từ những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo phong phú của các nghệ nhân làng nghề. Hiện nay, các làng nghề của Hà Nội tập trung chủ yếu các nghề như: Mây tre đan, vàng bạc đồng kim khí, đồ gỗ mỹ nghệ, hoa nghệ thuật, sơn mài, khảm trai, gốm sứ, dệt lụa, thêu ren,…

 

Các nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã và đang phát huy những giá trị truyền thống to lớn, tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của Thăng Long – Hà Nội. Các sản phẩm hàng hóa thủ công mỹ nghệ đã góp phần thúc đẩy gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giải quyết và tạo nhiều việc làm cho lao động ngoại thành, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

 

Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thạch Thất – Thành phố Hà Nội năm 2024 là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu có thế mạnh của các làng nghề truyền thống của huyện Thạch Thất nói riêng và các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội nói chung đến với người dân Thủ đô. Đồng thời, khuyến khích, định hướng cho các tác giả sáng tạo, thiết kế các sản phẩm vừa mang tính ứng dụng vừa có giá trị thẩm mỹ cao, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội phát triển và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường; góp phần tăng cường mối liên kết giữa Người thiết kế - Thợ thủ công – Nhà sản xuất – Nhà phân phối và người tiêu dùng.

 

Triển lãm góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nâng cao nhận thức của của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố về ngành thiết kế và công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo.

 

 

Ông Phùng Khắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm

 

Ông Phùng Khắc Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: Huyện Thạch Thất được công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020. Đến nay, huyện Thạch Thất có 05 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Đồng Trúc, Hạ Bằng), phấn dấu đến cuối năm 2024, huyện có thêm xã Phùng Xá và Lại Thượng đạt chuẩn NTM nâng cao. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Thạch Thất có 191 sản phẩm đạt OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó có 28 sản phẩm 3 sao và 114 sản phẩm 4 sao.

 

Hiện nay, trên địa bàn huyên có 2.447 doanh nghiệp, 11.429 hộ sản xuất, kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, tăng 15.5% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu kinh tế, Công nghiệp – TTCN chiếm 69,2%, Thương mại - Dịch vụ chiếm 26,2%, Nông – Lâm – Thủy sản chiếm 4,6%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,12%.

 

 

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cùng lãnh đạo huyện Thạch Thất thăm quan các gian hàng

 

Tại triển lãm lần này, huyện Thạch Thất có hơn 10 gian hàng giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống như: Canh Nậu, Chàng Sơn, Thạch Xá, Đại Đồng,… là các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, sản phẩm đảm bảo về xuất xứ, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm với giá cả hợp lý.

 

 

Sản phẩm gỗ tinh xảo làng nghề mộc Canh Nậu, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất

 

Phó Chủ tịch huyện Thạch Thất nhấn mạnh, Triển lãm là cơ hội giúp các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, phục vụ thiết thực nhu cầu của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, tạo những trải nghiệm phong phú, ấn tượng thân thiện, sâu sắc về văn hóa và con người huyện Thạch Thất trong lòng quý khách, người dân đến thăm quan, mua sắm.

 

 

 Ông Nguyễn Huy Thưởng làng nghề xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất giới thiệu bộ Sập gụ tủ chè được chế tác 100% bằng tay từ gỗ gụ ta Quảng Bình. Sản phẩm có giá bán khoảng 50 triệu đồng

 

Tham gia Triển lãm, ông Nguyễn Huy Thưởng làng nghề xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất phấn khởi chia sẻ, chúng tôi mang tới những sản phẩm tinh sảo, có giá trị kinh tế cao, mẫu mã đẹp, được chế tác từ những đôi bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công làng Chàng Sơn như: Bộ sập gụ tủ chè, bộ bàn ghế Mai thọ, bộ ghế Guột nho. Tôi thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm do Sở Công Thương, huyện Thạch Thất tổ chức. Tham gia những hội chợ, triển lãm như này giúp chúng tôi quảng bá được sản phẩm của mình cũng như quảng bá về làng nghề truyền thống, giúp tăng các mối quan hệ, cổ vũ tinh thần sáng tạo của các nghệ nhân làng nghề,…

 

 

Chị Ngô Thị Tín, Hộ kinh doanh Ngô Thị Tín, xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội bên bức tranh thêu tay “Cây đa giếng nước sân đình”

 

Có tới 4 gian hàng trưng bày sản phẩm, Chị Ngô Thị Tín, Hộ kinh doanh Ngô Thị Tín, xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội cho biết, Cơ sở chúng tôi mang tới triển lãm hàng trăm sản phẩm thêu tay có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Trong đó có sản phẩm “Cây đa giếng nước sân đình” có kích thước 1,3m x 2,3m. Bức tranh đặc tả cảnh làng quê Việt Nam và gợi nhớ cội nguồn và lưu giữ bản sắc văn hóa Việt. Bức tranh này được thêu bởi bàn tay của 3 đến 4 nghệ nhân trong thời gian từ 2-3 tháng, có độ sắc nét cao, tạo cảnh chân thật.

 

 

Gian hàng đồ da của Cơ sở sản xuất Quý thu huyện Phú Xuyên thu hút được nhiều người thăm quan mua sắm

 

Cũng trong tinh thần phấn khởi, anh Phạm Ngọc Quý, Cơ sở sản xuất Quý Thu xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên cho biết, cơ sở mang tới Triển lãm hàng chục sản phẩm như, túi sách, dây lưng, ví da. Các sản phẩm được sản xuất từ da bò, da trâu với mẫu mã riêng. Trong đó có sản phẩm túi đựng laptop được làm từ da bò đạt OCOP 4 sao năm 2023 đã và đang được người tiêu dùng nhiều nơi trong nước tin dùng.

 

 

Anh Đỗ Thế Long thành viên HTX chè an toàn Sơn Thành, Thái Nguyên giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng

 

Đến từ xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, anh Đỗ Thế Long, thành viên HTX chè Sơn Thành chia sẻ, chúng tôi có vùng nguyên liệu sản xuất chè an toàn rộng hơn 5ha, liên kết với các hộ dân khu vực khoảng 15ha. Vùng trồng chè được sản xuất theo hướng VietGAP, một phần theo hướng hữu cơ. Chúng tôi chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nguồn nguyên liệu đến thành phẩm nên sản phẩm có chất lượng thơm ngon và bảo đảm ATTP. Hiện tại, chúng tôi triển khai quảng bá, bán hàng ở nhiều kênh, trong đó có kênh hội chợ triển lãm như thế này. Qua hội chợ này, chúng tôi mong muốn quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè an toàn của HTX đến người tiêu dùng huyện Thạch Thất nói riêng và Hà Nội nói chung.

 

 

 Người dân thăm quan, mua sắm sản phẩm tại Triển lãm

 

Lễ khai mạc Triển lãm đã thu hút hàng nghìn người dân đến thăm quan, mua sắm. Nhiều người tỏ ra tâm đắc khi được chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo của các làng nghề và mua được các sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao với giá thành hợp lý.

 

Minh Ngọc

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang