Thứ Sáu, 22/11/2024 20:35:41 GMT+7
Lượt xem: 1146

Tin đăng lúc 01-01-2022

Khai thác than tầng sâu: Nghiên cứu giải pháp phù hợp

Nằm trong khuôn khổ chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025, Bộ Công Thương đã giao Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin thực hiện Đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ phù hợp khi khai thác các tầng sâu ở các mỏ than lộ thiên Việt Nam”.
Khai thác than tầng sâu: Nghiên cứu giải pháp phù hợp
Tìm giải pháp công nghệ khi khai thác các mỏ than lộ thiên Việt Nam

TS. Đỗ Ngọc Tước - chủ nhiệm đề tài - cho biết, các mỏ than lộ thiên Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển ngành than của Việt Nam. Để đảm bảo an toàn khai thác xuống sâu, đáp ứng yêu cầu sản lượng, nâng cao hiệu quả khai thác, việc nghiên cứu giải pháp công nghệ phù hợp là cần thiết và cấp bách.

 

Trên thế giới, các mỏ lộ thiên sâu áp dụng các giải pháp như: Sử dụng thiết bị khai thác có công suất lớn, áp dụng công nghệ phá vỡ đất đá bằng phương pháp tiên tiến, áp dụng khai thác bờ mỏ có dạng lồi, sử dụng thiết bị vận tải liên hợp (ôtô - băng tải dốc - băng tải thường, ôtô bánh xích - trục tải, ôtô bánh xích - ôtô thường), khai thác với chiều cao tầng lớn.

 

Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhiều mỏ lộ thiên đã mở rộng quy mô khai thác. Có thể sử dụng các nguyên lý về tính toán kết cấu, ổn định bờ mỏ, cơ sở công nghệ khoan nổ mìn, đồng bộ thiết bị, thông gió mỏ… tại các tầng khai thác sâu tại các mỏ than lộ thiên Việt Nam” - TS. Đỗ Ngọc Tước cho hay.

 

Theo TS. Đỗ Ngọc Tước, các mỏ than lộ thiên Việt Nam có dạng trên sườn núi dưới moong sâu, chiều sâu kết thúc khai thác lớn. Điều kiện địa chất thủy văn - công trình rất phức tạp, càng xuống sâu điều kiện khai thác càng khó khăn. Các vỉa than có cấu trúc phức tạp, nhiều uốn nếp, đứt gãy; địa tầng các khu vực trên bờ mỏ không đồng nhất. Hiện tại, các mỏ đang trong quá trình khai thác xuống sâu, cường độ khai thác lớn, hệ số bóc cao, cung độ vận tải và chiều cao nâng tải lớn.

 

Trước tình hình đó, Đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ phù hợp khi khai thác các tầng sâu ở các mỏ than lộ thiên Việt Nam” đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu: Nghiên cứu tổng quan kinh nghiệm khai thác tại các tầng sâu trên thế giới, đánh giá hiện trạng công nghệ, thiết bị khai thác tại các mỏ than lộ thiên sâu ở Việt Nam; nghiên cứu các yếu tố địa kỹ thuật ảnh hưởng tới các công nghệ khi khai thác tại các tầng sâu của các mỏ than lộ thiên Việt Nam; nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện và khai thác hiệu quả tại các tầng sâu của các mỏ than lộ thiên Việt Nam; áp dụng thử nghiệm một trong các giải pháp công nghệ khai thác tại một mỏ than lộ thiên sâu vùng Cẩm Phả.

 

Đặc biệt, đề tài đã tiến hành đánh giá, tổng hợp đặc điểm điều kiện địa chất kỹ thuật; đánh giá hiện trạng công nghệ thiết bị khoan nổ mìn, xúc bốc - vận tải, đổ thải, thoát nước, vét bùn, đào sâu, các giải pháp nâng cao mức độ an toàn và kế hoạch khai thác trong thời gian tới. Đồng thời, tổng quan kinh nghiệm khai thác tầng dưới sâu tại các nước trên thế giới, dự báo điều kiện địa kỹ thuật tại các tầng sâu.

 

Tuy nhiên, ngoài các giải pháp đề xuất của đề tài, các mỏ cần tiến hành khảo sát thống kê và nghiên cứu điều kiện vi khí hậu của mỏ khi khai thác xuống sâu để có các giải pháp thông gió mỏ phù hợp, đảm bảo điều kiện làm việc cho công nhân dưới các tầng sâu…

 

Hiện nay và những năm tới, các mỏ lộ thiên Việt Nam sẽ tăng cường độ khai thác. Càng xuống sâu, công tác khai thác càng gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cần nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ khai thác phù hợp tại các tầng sâu.

 

Theo báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang