Theo số liệu do hãng nghiên cứu thị trường Canalys vừa công bố, toàn thế giới đã tiêu thụ 316 triệu điện thoại thông minh trong quý II-2021, giảm 9% so với quý trước đó. Đây là quý thứ hai liên tiếp thị trường này chứng kiến sự giảm sút, dù nhu cầu điện thoại thông minh đang tăng cao chưa từng có trong bối cảnh nhu cầu liên lạc, làm việc từ xa đang bùng nổ vì đại dịch Covid-19.
Thậm chí, Trung Quốc - một trong những thị trường điện thoại thông minh hàng đầu thế giới - đã chứng kiến mức suy giảm doanh số tới 17% so với cùng kỳ năm 2020 - giai đoạn đặc biệt khó khăn do dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, quốc gia đông dân nhất thế giới tiêu thụ 74,9 triệu điện thoại thông minh các loại.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do các thương hiệu lớn đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm linh kiện bán dẫn nhằm duy trì sản lượng. Thêm vào đó, lĩnh vực điện thoại thông minh thời gian qua cũng chứng kiến sự cạnh tranh nguồn cung đáng kể từ các ngành khác như sản xuất ô tô, thiết bị gia dụng, thiết bị nhà thông minh...
Đáng chú ý, khó khăn xảy ra ngay cả với những đại gia hàng đầu trong thị trường điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nhóm này được đánh giá có nhiều lựa chọn khác thay thế. Một ví dụ là Apple cũng đối mặt làn sóng thiếu hụt linh kiện chung. Tuy nhiên, với quy mô sản xuất khổng lồ, "Táo" dễ dàng mặc cả với các chuỗi cung ứng để đảm bảo hoạt động sản xuất được duy trì trơn tru. Trong khi đó, câu chuyện hoàn toàn khác với những công ty nhỏ hơn.
Về phần mình, Samsung với năng lực sản xuất đáng nể, cũng sẽ tự chủ được nhiều loại linh kiện thiết yếu. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới tình trạng đơn hàng linh kiện bị chậm trễ, thậm chí hủy bỏ nếu thị trường linh kiện diễn biến xấu.
Cũng theo các nhà phân tích của Canalys, thực trạng khó khăn sẽ dẫn tới việc nhiều khu vực trên thế giới xảy ra tình trạng khan hiếm điện thoại thông minh trong thời gian tới. Không ít thương hiệu lớn tới nay đã áp dụng chính sách phân bổ hàng hóa riêng biệt cho từng khu vực, ưu tiên các kênh phân phối quan trọng... nhằm tận dụng tối đa nguồn cung linh kiện eo hẹp. Điều này dẫn tới nhiều xung đột trong việc phân phối, bán hàng và sẽ trở thành thách thức thực sự cho các đại lý. Tuy nhiên, các ý kiến cũng tỏ ra lạc quan về việc sự khan hiếm có thể được giải quyết trong năm 2022, giúp thị trường phục hồi nhanh chóng.
Trước đó, theo thống kê công bố hồi giữa tháng 7, Canalys đã ghi nhận Samsung vẫn là cái tên dẫn đầu thị trường trong quý II-2021, với 58 triệu máy tới tay người tiêu dùng - tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xiaomi lần đầu tiên vươn lên xếp ở vị trí thứ hai với 52,8 triệu máy, tăng trưởng 83%. Apple đứng ở vị trí thứ 3 với 45,7 triệu máy, trong khi Oppo và Vivo chia sẽ hai vị trí thứ 4 và thứ 5, lần lượt với 32,6 triệu máy và 31,2 triệu máy.
Theo Hanoimoi.com.vn