Chú trọng phát triển công nghiệp và công nghiệp phụ trợ
Nhằm khắc phục thực trạng kinh tế sa sút và đưa ra giải pháp đối phó với hệ lụy dịch bệnh kéo dài, tỉnh Khánh Hòa đã chú trọng chuyển hướng chiến lược, mời gọi đầu tư, phát triển công nghiệp và công nghiệp phụ trợ…
Không phải đến bây giờ tỉnh Khánh Hòa mới trải thảm mời gọi đầu tư trong và ngoài nước. Từ trước đến nay, Khánh Hòa luôn được biết đến là vùng đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nếu trước khi dịch bệnh bùng phát, Khánh Hòa cân nhắc, ưu tiên với nhiều dự án phát triển du lịch nhằm khai thác tiềm năng thiên nhiên ban tặng, thì giữa năm 2020 lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã đặc biệt chú trọng, tạo điều kiện cho các dự án phát triển công nghiệp như: khuyến khích các dự án đầu tư khai thác tiềm năng du lịch theo chiến lược dài hơi; thực hiện quy hoạch vùng năng lượng điện mặt trời Bắc Cam Ranh, chủ động trình Bộ Công Thương một số địa điểm có tiềm năng đầu tư điện khí để Bộ nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia; phát triển khu phi thuế quan Bắc Vân Phong,… Nhờ vậy, trong năm 2020, toàn tỉnh Khánh Hòa đã thu hút được 25 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 7.700 tỷ đồng (tăng 12 dự án và tăng gần 3.000 tỷ đồng so với năm 2019).
Đặc biệt, giữa lúc cả nước nói riêng và cả thế giới nói chung đang gồng mình phòng chống dịch, thì đầu năm 2021 đã có nhiều nhà đầu tư các nước Hoa Kỳ, Nhật bản, Hàn Quốc đã và đang nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án phát triển công nghiệp, đầu tư các tổ hợp điện khí và kho khí hóa lỏng trong các phân khu công nghiệp phía Nam Vân Phong và công nghiệp phụ trợ tại Khánh Hòa, với số vốn dự tính hàng chục tỷ USD.
Đồng thời, để giữ chân nhà đầu tư với Khánh Hòa, nơi có vịnh Nha Trang được đứng vào hàng ngũ một trong những vịnh đẹp nhất thế giới (năm 2003), một trong 3 thiên đường biển của Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo ngành du lịch cố gắng gìn giữ, tôn tạo những thế mạnh thiên nhiên ban tặng. Sắp tới, Sở Du lịch Khánh Hòa triển khai xây dựng đề tài khoa học “Nghiên cứu đặc điểm, cơ cấu và giải pháp phát triển bền vững thị trường khách du lịch đến Khánh Hòa”; đồng thời, hoàn thiện các đề án quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa gắn với xúc tiến, thu hút tăng trưởng thị trường khách quốc tế trọng điểm; xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch,…
Vai trò ngành công thương địa phương
Trước tình hình trên, Sở Công Thương Khánh Hòa luôn nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp trong ngành và đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh; tích cực triển khai và phối hợp thực hiện tốt một số giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh về điều hành ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nhiệm vụ kép.
Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Công Thương Khánh Hòa, năm 2020 tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh chẳng những giữ được thế quân bình, mà còn có những chỉ số tăng như: sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (công nghiệp khai khoáng tăng 14,41%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước tăng 2,69%). Cụ thể, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng gần 17%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng trên 7%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 6,5%; sản xuất đường tăng trên 7,%,...
Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất sợi giảm trên 1%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm trên 11%; sản xuất trang phục giảm gần 10%; sản xuất bia giảm trên 21%,...
Song, hoạt động thương mại lại bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Hầu hết các siêu thị, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ đi kèm du lịch trên địa bàn tỉnh bị giảm sút doanh số đáng kể. Một số cửa hàng phải tạm ngưng và nghỉ hoạt động, đã ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh, kéo theo doanh thu bán lẻ, dịch vụ chỉ đạt 57,54% so với kế hoạch năm, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành Công Thương địa phương tiếp tục phát huy vai trò quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp như: Khu kinh tế Vân Phong (hiện đã thu hút được 153 dự án đầu tư, gồm 123 dự án đầu tư trong nước và 30 dự án đầu tư vốn nước ngoài, trong đó có 89 dự án đi vào hoạt động, 63 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 1,39 tỷ USD; Khu công nghiệp Suối Dầu (hiện đã thu hút được 55 dự án đầu tư, gồm 18 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 37 dự án trong nước, trong đó có 41 dự án đang hoạt động, 14 dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng, tỷ lệ lấp đầy 93%) với tổng vốn đăng ký là 267,9 triệu USD, vốn thực hiện 211,14 triệu USD; quản lý 8 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh ra quyết định thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó có 6 cụm công nghiệp (Diên Phú, Diên Phú - VCN, Đắc Lộc, Chăn nuôi Khatoco Ninh Ích, Trảng É 1, Sông Cầu) đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh và đã đi vào hoạt động, thu hút 58 dự án và đã có 48 dự án đi vào hoạt động,…
Giữa lúc nạn thất nghiệp tăng đột biến, lượng lao động địa phương dư thừa, thì hoạt động duy trì tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã giải quyết trên 22.000 lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 300 tỷ đồng trong năm 2020.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Khánh Hòa - chia sẻ: “Chúng tôi đã làm hết sức có thể để duy trì hoạt động của ngành. Động lực lớn nhất để chúng tôi đạt được những kết quả như vậy trong bối cảnh hết sức khó khăn là tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường trên nền tảng tôn trọng mọi quy định nghiêm ngặt phòng chống dịch bệnh Covid-19…”.
Theo Congthuong