Tham dự Lễ khánh thành Thủy điện Lai Châu có lãnh đạo các ban Đảng, ủy ban của Quốc Hội, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu; các thành viên, nguyên thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án Thuỷ điện Sơn La - Lai Châu; các thế hệ cán bộ, người lao động ngành điện và đặc biệt, có đại diện nhân dân vùng lòng hồ đã được tái định cư để nhường đất cho công trình.
Sớm một năm, thêm 5.000 tỷ doanh thu
Công trình Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia đa mục tiêu, được xây dựng tại bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, có công suất thiết kế 1200 MW. Đây là công trình thủy điện lớn thứ 3 nằm trên dòng chính sông Đà, sau Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình.
Hằng năm, Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ sản xuất lượng điện năng khoảng 4,67 tỷ kWh. Trước mắt, năm 2017, Nhà máy sẽ sản xuất khoảng 4,2 tỷ kWh, chiếm 2,1% lượng điện cả nước, cung cấp trực tiếp cho hệ thống điện quốc gia.
Với việc hoàn thành Thủy điện Lai Châu, Việt Nam đã cơ bản khai thác được tiềm năng thủy điện trên sông Đà với tổng công suất các nhà máy thủy điện lên đến 6.500 MW và tổng sản lượng điện khoảng 25 tỷ kWh, chiếm gần 1/3 sản lượng thủy điện toàn quốc đến năm 2020.
Cùng với các nhà máy thủy điện khác trên sông Đà, Thủy điện Lai Châu không chỉ có ý nghĩa quan trọng, góp phần cung cấp trực tiếp điện cho hệ thống điện quốc gia, mà còn có vai trò quan trọng hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, điều tiết lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Nhà máy Thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động còn tạo ra nhiều việc làm, đóng góp tích cực vào ngân sách hằng năm của địa phương, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế phát triển.
Tổng thể, Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu hoàn thành sớm hơn kế hoạch một năm, mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế. Theo tính toán, Nhà máy Thủy điện Lai Châu mang lại khoảng hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Bên cạnh đó, việc hồ chứa Thủy điện Lai Châu đưa vào sử dụng sớm ngay từ năm 2015 cũng đã góp phần tích cực cải thiện việc cấp nước tưới cho đồng bằng Bắc Bộ và tăng thời gian hoạt động hữu ích cho các nhà máy thủy điện Sơn La, Hòa Bình.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, công trình Thủy điện Lai Châu là điểm sáng về tinh thần đoàn kết, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động Việt Nam.
“Chúng ta đã phát huy nội lực, không chỉ làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới mà còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa trong sản xuất, thi công để xây dựng nên những công trình tầm vóc, mang đậm dấu ấn trí tuệ Việt trên chặng đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ khánh thành
Phó Thủ tướng cũng biểu dương các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu và Điện Biên đã tích cực phối hợp, chủ động giải quyết kịp thời các thủ tục, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư.
“Đặc biệt, trân trọng cảm ơn sự hi sinh của đồng bào các dân tộc trong vùng Dự án đã phải di chuyển đến nơi ở mới để bàn giao mặt bằng phục vụ xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Vận hành an toàn, quan tâm đời sống người dân
Giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện Sơn La- đơn vị được giao tiếp quản Nhà máy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định trước hết, phải tổ chức vận hành công trình Thủy điện Lai Châu bảo đảm an toàn, khoa học để đạt hiệu quả cao nhất.
“Đặc biệt, cần tuân thủ tuyệt đối các quy trình vận hành liên hồ chứa để phát huy hiệu quả điều tiết lũ, bảo đảm nước tưới cho nông nghiệp, điều tiết nước hợp lý cho vùng hạ du”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Lễ bàn giao chìa khóa Nhà máy cho Công ty Thủy điện Sơn La
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên là phải đặc biệt chú trọng sinh kế lâu dài, bền vững cho người dân tại các khu tái định cư, nhất là bảo đảm đủ đất sản xuất, từng bước chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cũng như tập trung phát triển đồng bộ các công trình hạ tầng dân sinh thiết yếu phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của bà con các dân tộc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới khoảng 6,5-7%/năm, đòi hỏi ngành điện tiếp tục phải nghiên cứu và thực hiện những hướng đi mới nhằm bảo đảm cung cấp đủ lượng điện năng cho phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ đời sống của nhân dân ngày một tốt hơn. Theo tính toán, trong giai đoạn 10 đến 20 năm tới, hằng năm đất nước ta cần phải bổ sung thêm từ 5000-7000 MW công suất nguồn điện mới.
Phó Thủ tướng nghe báo cáo về phương án vận hành Nhà máy.
Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao trình độ công nghệ và quản lý nhằm tiết giảm chi phí, giảm giá thành, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đồng thời, tập trung nghiên cứu, tiếp tục rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh theo đúng tinh thần Nghị quyết của Chính phủ.
Nhân dịp tròn 62 năm ngày truyền thống ngành điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2016), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã gửi lời chúc mừng tới các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành điện qua các thời kỳ, chúc ngành điện Việt Nam phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, tiếp tục có những đóng góp quan trọng, tiên phong trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phó Thủ tướng trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho ông Vũ Đức Thìn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu
Bộ trưởng Bộ Xây Dựng đã trao Huy chương Vàng Giải thưởng Công trình xây dựng chất lượng cao cho Công trình xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu.
Một số thông số chính của công trình: - Khởi công xây dựng công trình vào năm 2011, phát điện Tổ máy số 1 vào tháng 3/2016 và hoàn thành công trình vào cuối năm 2016. - Tổng mức đầu tư sau thuế: 35.700 tỷ đồng. - Nhà máy có 3 tổ máy, công suất lắp máy 1.200 MW, điện lượng trung bình nhiều năm 4,67 tỷ kWh (chưa kể tăng cho các công trình bậc dưới 59,9 triệu kWh). - Hồ chứa: Mực nước dâng bình thường 295 m; dung tích toàn bộ hồ chứa: 1,216 tỷ m3; dung tích hữu ích: 799 triệu m3. - 2.013 hộ với 8.450 nhân khẩu khẩu đồng bào các dân tộc hai huyện Nậm Nhùn và Mường Tè đã được di dời đến nơi ở mới. |
Nguồn Chính phủ