Thứ Sáu, 22/11/2024 00:26:58 GMT+7
Lượt xem: 3009

Tin đăng lúc 03-10-2016

“Khát" không khí sạch

Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường không khí ở Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập như: thiếu các quy định đặc thù cho môi trường không khí; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết, nhất là chưa thực hiện được việc kiểm soát khí thải tại nguồn.
“Khát" không khí sạch
Ảnh minh họa

Phó trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm không khí và phế liệu, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Trường Huynh cho biết: Theo bảng chỉ số xếp hạng môi trường được công bố năm 2014, chất lượng không khí ở Việt Nam xếp thứ 170 trong số 178 quốc gia được xếp hạng, đứng trong số 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới. Tại Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 cho thấy: Các hiện tượng thời tiết dị thường ở nước ta xuất hiện ngày càng nhiều đang gây những ảnh hưởng xấu tới môi trường không khí. Cùng với đó, tỷ lệ che phủ rừng và diện tích cây xanh đô thị đóng vai trò điều hòa khí hậu, không tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa, gây ra những tác động xấu tới môi trường không khí từ các nguồn ô nhiễm như: hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng, dân sinh và ô nhiễm xuyên biên giới... đã tác động không nhỏ đến môi trường không khí ở nước ta thời gian qua. Thí dụ, tại TP Hà Nội, số ngày có Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức độ kém trong giai đoạn 2010 - 2013 chiếm từ 40% đến 60% tổng số ngày quan trắc trong năm và có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hiểm. Đáng chú ý, tại các địa điểm quan trắc cạnh đường giao thông, số ngày có giá trị AQI không bảo đảm ngưỡng khuyến cáo an toàn đối với sức khỏe cộng đồng do nồng độ bụi PM10 vượt ngưỡng Quy chuẩn Việt Nam (QCVN):05:2013/BTNMT…

 

Trong khi đó, ô nhiễm không khí tại các làng nghề lại chủ yếu là từ việc sử dụng than làm nhiên liệu (phổ biến là than chất lượng thấp); sử dụng nguyên liệu và hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất, gây nên các thành phần đặc trưng là bụi, CO2, CO, SO2, NOX và chất hữu cơ bay hơi. Ngành sản xuất có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế kim loại gia công cũng gây phát sinh các khí độc như: a-xít, kiềm, ô-xít kim loại. Các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm chăn nuôi và giết mổ phát sinh ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và các chất hữu cơ trong chế phẩm thừa thải ra tạo ra các khí SO2, NO2, H2S, NH3… Do vậy, mỗi năm Việt Nam phải đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, để điều trị những bệnh do ô nhiễm không khí gây ra.

 

Đánh giá về công tác bảo vệ môi trường không khí ở Việt Nam, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Võ Tuấn Nhân cho biết: Việt Nam đã xây dựng được hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường không khí khá hoàn thiện; từng bước kiểm soát và khắc phục ô nhiễm từ hoạt động làng nghề, sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh hệ thống quan trắc không khí tự động… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết một cách triệt để như: Thiếu các quy định đặc thù cho môi trường không khí; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao, thiếu tính gắn kết. Chưa thực hiện được việc kiểm soát khí thải tại nguồn, cùng với đó là ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải còn kém…

 

Để khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, ngày 1-6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 985a/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với các mục tiêu cụ thể như: Bảo đảm 80% số các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, CO đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Kiểm tra khí thải tại 90% số cơ sở sản xuất nhiệt điện; 80% số cơ sở sản xuất xi-măng; 70% số cơ sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học. Triển khai các biện pháp giảm thấp nhất tình trạng ô nhiễm bụi PM10 tại các nguồn thải chính (tập trung vào nguồn công nghiệp, năng lượng, giao thông và xây dựng)…

 

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, thời gian tới, Bộ TN và MT sẽ phối hợp, hỗ trợ cho các cơ quan, bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách pháp luật nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất sử dụng nhiên liệu sạch; đổi mới công nghệ, áp dụng sản suất sạch hơn để giảm phát thải khí thải. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các nguồn khí thải tại khu vực nông thôn, ưu tiên kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp… Tiếp tục kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu trong việc ứng dụng các công cụ kỹ thuật vào quản lý chất lượng không khí, nhất là sự tham gia của doanh nghiệp và mỗi người dân trong lĩnh vực này...

 

Các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố từng bước đưa các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào các cụm công nghiệp để lắp đặt hệ thống xử lý khí thải. Tăng cường công tác quản lý việc đầu tư, lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí thải từ cơ sở công nghiệp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích nhập khẩu thiết bị xử lý khí thải và thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại ô nhiễm môi trường không khí đối với môi trường sống và sức khỏe của người dân...

 

Số liệu thống kê của Bộ Y tế trong những năm gần đây cho thấy: cứ 100 nghìn dân, thì có 4,1% số người mắc các bệnh về phổi; 3,8% số người bị viêm họng và viêm amidan cấp; 3,1% bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản...

 

Nguồn Báo Nhân Dân điện tử


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang