Những chiếc khẩu trang này được rao bán trên các trang mạng xã hội, trang mua sắm trực tuyến với mức giá từ 120.000 – 200.000 đồng/chiếc, đắt hơn so với các loại khẩu trang thông thường khác. Thế nhưng, nó vẫn là sự lựa chọn của nhiều người mà chủ yếu là giới trẻ đổ xô tìm mua bởi độ độc, lạ.
Khẩu trang “tàng hình” được quảng cáo làm từ chất liệu nhựa TPU dùng trong y tế & thực phẩm với 3 màu trong suốt, trắng, đen; có tác dụng ngăn giọt bắn và vi khuẩn 100%, không sợ mưa nắng, chống tia UV, vệ sinh nhanh chóng bằng xà phòng hoặc cồn sát khuẩn, mau khô, đeo lại được ngay, sử dụng nhiều lần.
Đặc biệt, loại này còn có khả năng mở khóa face ID trên điện thoại và tránh làm phai lớp trang điểm.
Chị Từ Anh – nhân viên văn phòng ở Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Dạo gần đây tôi thấy trên mạng rao bán loại khẩu trang này rầm rộ lắm, lại còn được quảng cáo đeo vào sẽ không bị mờ lớp trang điểm nên thích nhất ưu điểm này, thêm nữa là có thể dễ dàng vệ sinh nhanh chóng nên rất tiện lợi. Tuy nhiên, chất lượng có được như khẩu trang y tế trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 thì tôi không chắc chắn”.
Tương tự, anh Mạnh Tuấn (Nguyễn Xiển, Hà Nội) cũng đặt mua 1 chiếc khẩu trang tàng hình về để bắt kịp trào lưu của giới trẻ. Anh kể, do giá khẩu trang y tế tăng quá cao nên anh quyết định chuyển sang dòng khác. Sẵn thấy thị trường có loại khẩu trang mới, độc đáo nên anh mua về dùng thử. Theo đánh giá của anh, chiếc khẩu trang mới có ưu điểm là tính thẩm mỹ, gọn, nhẹ. Ngoài ra còn có thêm điểm cộng lớn là khi đi mưa sẽ không lo bị ướt mặt giống các loại khẩu trang truyền thống anh hay đeo.
Khi được hỏi về việc có tìm hiểu về chất lượng làm nên chiếc khẩu trang này, anh cho biết thấy mọi người mua nhiều về dùng nên mình cũng mua, còn chưa tìm hiểu rõ chất lượng cũng như nguồn gốc của sản phẩm.
Giá của mỗi chiếc khẩu trang dao động từ 120 - 200.000 đồng
Theo chia sẻ của các chuyên gia Y tế, thứ nhất, chiếc khẩu trang trong suốt có van và chất liệu được làm bằng nhựa, trong khi đó rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Thứ hai, các yếu tố kháng khuẩn trên chiếc khẩu trang chưa được đảm bảo, chỉ lau lại sau khi sử dụng thì vẫn không làm sạch được các bụi bẩn và vi khuẩn.
Đồng thời, để tránh lãng phí tiền bạc và đảm bảo được sức khoẻ, người dân nên lựa chọn các loại khẩu trang mà Bộ Y tế đã khuyên dùng như khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn. Còn loại khẩu trang mình chưa chắc về độ an toàn, chưa được các nhà kiểm định về chất lượng, chưa có giấy kiểm định an toàn thì không nên sử dụng. Bên cạnh đó, kết hợp việc rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn đúng cách để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Trường An