Câu chuyện phát triển du lịch ở các tỉnh Tây Bắc thật ra không mới. Những điểm đến như Sapa, cao nguyên đá Đồng Văn, hồ Ba Bể,… từ lâu không còn xa lạ với du khách.
Nhiều tỉnh đã xuất hiện các trung tâm du lịch hấp dẫn. Điển hình là Sapa, trung tâm thu hút khách trong nước và quốc tế, đứng về vị trí hàng đầu du lịch vùng núi toàn quốc. Ngoài ra, còn xuất hiện cao nguyên Mộc Châu, Mai Châu và Điện Biên Phủ.
Khó khăn tiếp cận điểm đến
Nhìn tổng thể bản đồ du lịch Tây Bắc, dễ thấy tài nguyên du lịch rất dồi dào với sự giàu có về bản sắc văn hóa và cảnh quan. Tuy nhiên, để kết nối các tuyến, điểm du lịch, các danh lam thắng cảnh trở thành tour tuyến sản phẩm thì không đơn giản. Khó khăn do bị chia cắt về địa hình đã khiến cho việc thông thương giữa Tây Bắc với cả nước nói chung và giữa chính các tỉnh trong nội vùng gặp nhiều khó khăn cản trở.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2014, lượng khách đến Lào Cai đạt 1,2 triệu lượt, Hà Giang 164.800 lượt người (21.360 du khách quốc tế)… Trong những năm gần đây, tốc độ khách tăng nhanh ở Sapa, Đồng Văn, Mộc Châu. Tuy nhiên du khách quốc tế lên các tỉnh Tây Bắc còn ít, lượng khách đến 5 tỉnh chưa được 1 triệu người, đông nhất là Sa Pa, Lào Cai (568.000 người).
Con số này vô cùng khiêm tốn so với các trung tâm du lịch khác trên cả nước và không tương xứng với vùng đất giàu có về tài nguyên du lịch như Tây Bắc.
Sản phẩm tour khu vực Tây Bắc do các hãng lữ hành đang xây dựng hiện nay chủ yếu khai thác các tuyến kết nối Sapa, Điện Biên Phủ, Mộc Châu, Mù Căng Chải… Để đi hết hành trình này tour sẽ kéo dài từ 4-5 ngày trở lên và qua 4 tỉnh. Đường đèo hiểm trở, bị chia cắt, khoảng cách rất xa giữa các điểm đến khiến cho hành trình của du khách dài hơn và cũng mệt mỏi hơn. Việc tham quan, thưởng thức cũng vì thế mà không sâu, không đậm đà như lẽ ra một hành trình khám phá văn hóa cảnh quan cần có.
Giao thông cần đi trước
Để du lịch phát triển các địa phương vùng Tây Bắc đang phải chịu phụ thuộc hoàn toàn vào 4 hệ thống vận tải là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không.
Tuy nhiên, trong cả 4 hệ thống trên, không có hệ thống giao thông nào của Tây Bắc thực sự phát triển. Ngay đường bộ - là hệ thống đường tiện dụng nhất cũng chưa phát triển hết. Lâu nay lãnh đạo các tỉnh khu vực này vẫn không ngớt "ấm ức" vì Tây Bắc chưa hề có hệ thống đường cao tốc kết nối 8 tỉnh Tây Bắc nói riêng và 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Hệ thống đường đang sử dụng đa số là tỉnh lộ, huyện lộ với chất lượng đường không cao, quy mô đường cũng hạn hẹp. Rất khó để cho những đoàn xe 45-60 chỗ di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Trong thời gian qua, giao thông vùng Tây Bắc đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, các tuyến quốc lộ chính cơ bản hoàn thành, các tuyến đường vành đai, đường tuần tra biên giới được đầu tư và nâng cấp, các dự án đường cao tốc được triển khai mạnh mẽ (tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả rõ rệt). Tuy nhiên, mạng lưới giao thông vận tải còn đơn độc, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng. Sự phối hợp giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không) cả trong xây dựng kết cấu hạ tầng và phân công vận tải chưa đồng bộ.
Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường địa phương nhất là xuống xã, thôn bản vẫn còn chậm, thiếu nguồn lực và gặp nhiều khó khăn… và trách nhiệm trong quá trình phát triển toàn vùng.
Bắt đầu đưa vào khai thác sản phẩm khám phá vòng cung Tây Bắc từ năm 2014, song cho tới nay sản phẩm này của Lữ hành Hà Nội Redtours vẫn chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Vướng nhất, khó nhất vẫn là giao thông.
“Nếu khách đi máy bay từ Hà Nội tới sân bay Điện Biên thì chi phí tour sẽ rất lớn, chưa kể số lượng máy bay có hạn, lịch trình khởi hành chỉ hàng tuần khiến cho du khách không có nhiều sự lựa chọn. Có những hôm khách đã bay tới Điện Biên rồi lại phải quay về Hà Nội vì sương mù quá nhiều”, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Lữ hành HN Redtours chia sẻ.
“Chưa kể hiện nay phương tiện xe du lịch chở khách tại khu vực Tây Bắc mà cụ thể là Điện Biên quá hiếm hoi. Chúng tôi có đưa được khách lên thì cũng không có phương tiện chở khách đi tham quan. Chưa kể đoạn đường từ Lai Châu sang Sapa quá nhỏ, dốc, nhiều đoạn cua tay áo và nhiều sương mù, rất nguy hiểm cho tính mạng du khách”, ông Hoan nói.
Thắng cảnh Tây Bắc rất đẹp, độc đáo, văn hóa tộc người ở nơi đây đậm đặc và khác biệt song nếu chừng nào đường giao thông chưa phát triển, du khách muốn đến với nơi đây còn khó khăn vất vả thì du lịch vẫn chưa thể cất cánh.
Nguồn: Báo điện tử chính phủ