Chủ Nhật, 24/11/2024 11:14:22 GMT+7
Lượt xem: 3024

Tin đăng lúc 20-07-2017

Khoảng 9 - 10 năm tới tài nguyên của Việt Nam sẽ cạn kiệt

Chỉ trong vòng 9-10 năm tới, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ thiếu trầm trọng nguyên liệu thô dùng cho phát triển điện - một chuyên gia về quản lý năng lượng cảnh báo.
Khoảng 9 - 10 năm tới tài nguyên của Việt Nam sẽ cạn kiệt
Tình trạng khai thác cát trái phép đang khiến xã hội rất bất bình

Theo dự đoán của điều phối viên Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam thì tài nguyên than đá, dầu khí của Việt Nam sớm cạn kiệt, một khi “phong trào” xây nhiệt điện vẫn diễn ra. Trong khi, than đá, dầu DO lại là nguồn nhiên liệu chính của hệ thống nhiệt điện tại Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến công suất phát điện của Việt Nam. Cho dù dự án tiết kiệm điện cho doanh nghiệp nhỏ từ nguồn tài trợ của quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã kết thúc từ năm 2010. Vẫn theo điều phối viên Dự án, thì khả năng thiếu hụt điện trong tương lai là khá lớn và phải phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu ngày một tăng nếu Việt Nam không có chính sách tiết kiệm năng lượng bền vững.

 

Tài nguyên có nghèo?

 

Từ năm 2010, tại Hội nghị “tổng kết ngành Tài nguyên - Môi trường năm 2010”,  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thừa nhận Việt Nam không có nhiều năng lượng thô như nhiều người nghĩ. Ông nói: “Tài nguyên nước, năng lượng, đất và khoáng sản đang dần thiếu và khan hiếm”. Và Phó Thủ tướng đã nói đến khả năng dừng hẳn xuất khẩu khoáng sản thô trong tương lai. “Chúng ta đang cố gắng hạn chế việc xuất khẩu khoáng sản thô và tiến tới dừng hẳn xuất khẩu khoáng sản thô”. Ông kêu gọi áp dụng công nghệ “chế biến sâu” đối với khoáng sản. Vậy Việt Nam sẽ dùng loại công nghệ gì, kỹ thuật nhập từ nước nào... hiện vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, một bài toán chưa có lời giải.

 

Nóng bỏng

 

Xuất khẩu nguyên liệu thô từng có thời kỳ trở thành đề tài thời sự nóng bỏng trong nước, gây bàn tán xôn xao trong cộng đồng xã hội với không ít ý kiến thuận chiều, trái chiều.... Điều đó, cho thấy dư luận đã thực sự quan ngại về tầm nhìn thiển cận của một số tỉnh, thành khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Một số dự án kỹ thuật thô sơ, lạc hậu, cốt sao moi được đất để bán, trong khi không có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường.

 

Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, không ít các địa phương đã đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản đối với doanh nghiệp vi phạm môi trường, khai thác không đúng thiết kế, không đúng thủ tục pháp lý; dừng cấp giấy phép khai thác mới một số khoáng sản để “kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, lập lại trật tự”... Hay gần đây lại nổi lên một số vụ việc được dư luận quan tâm đó là “Dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng”. Theo đề án này, nhà đầu tư “vẽ” ra một tuyến giao thông thủy dọc sông Hồng từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển; nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp bảo đảm cho tàu 400 tấn và sà lan 600 tấn lưu thông quanh năm. Đề án còn nêu ra địa điểm đặt 6 thủy điện trên sông Hồng và định hướng làm 7 cảng và âu tàu trên dọc tuyến thủy lộ... Từ dư luận đến người dân, các nhà khoa học, nhà chuyên môn dường như đều lo lắng, phản đối dự án này. Và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

 

 

Lâm tặc vẫn hoành hành nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên

 

Bên cạnh đó, tình trạng cát tặc ngang nhiên lộng hành tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, “thách đố” các cơ quan công quyền. Chưa hết, tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên khiến dư luận lại được mẻ “sôi sục”, Thủ tướng phải chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh. Không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định phải đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên để ngăn chặn phá rừng, buôn lậu gỗ. Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với các dự án thủy điện không chấp hành quy định trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng…

 

Luồng gió mới cải cách

 

Trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định rõ mục tiêu xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”. Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong suốt năm 2016, từ tầm tư duy, quan điểm, kỷ luật thực thi và chương trình hành động đã thể hiện rõ luồng gió đổi mới cải cách, khơi dậy niềm tin trong nhân dân.

 

Vẫn biết rằng, dù còn bộn bề khó khăn và nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội cần sớm được giải quyết, song chúng ta có quyền hy vọng với sự điều hành của Chính phủ kiến tạo, hành động quyết liệt, với sự sâu sát, lắng nghe ý kiến của người dân và báo chí... Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ sẽ có những chỉ đạo cụ thể để những “vấn đề” nóng bỏng nói trên sớm được tháo gỡ, để nguồn nguyên liệu của Việt Nam sẽ không bị rơi vào tình trạng đáng lo ngại: “cạn kiệt”.

 

 Thư Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang