Chị Lê Ngọc Ánh sửa soạn đi chợ làm mâm cỗ cho gia đình. Đến một cửa hàng OCOP tại TP Hạ Long, chỉ sau chốc lát, giỏ đồ của chị đã đầy đủ các đặc sản của Quảng Ninh như: miến dong Bình Liêu, thịt gà Tiên Yên, khau nhục lợn Móng Cái, chả mực Hạ Long, rượu ba kích tím Ba Chẽ, rượu mơ Yên Tử.
Chị Ánh chia sẻ: “Từ khi Quảng Ninh tổ chức chương trình OCOP, tôi thấy, việc đi chợ, sắm sửa của các bà nội trợ như chúng tôi trở nên rất dễ dàng, bởi vì không còn mất thời gian tìm kiếm các đặc sản vùng miền trong tỉnh nữa, chỉ cần ra cửa hàng là mua được những món đặc trưng mà mình cần, năm nay tôi còn chọn được nhiều món mới nữa”.
Không chỉ riêng chị Ánh, các sản phẩm OCOP đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng tại Quảng Ninh. Mỗi năm 2 lần Xuân, Hè và định kỳ tại 14 huyện thị, các Hội chợ OCOP đều tấp nập hàng vạn lượt khách tới tham quan, mua sắm, thu về hàng chục tỷ đồng doanh thu. Nhiều đặc sản thậm chí còn "cháy hàng". Cũng trong năm 2019, hơn 80% sản phẩm OCOP Quảng Ninh đều được dán tem điện tử thông minh VNPT-Check, có mã số mã vạch, khiến người tiêu dùng yên tâm hơn.
“Bây giờ người tiêu dùng cũng rất kén chọn về vấn đề thực phẩm an toàn, cho nên Hội chợ OCOP được người dân rất tin tưởng, có nhiều món đặc sản, người bán hàng cũng rất niềm nở chào đón, quy mô chợ thì hoành tráng”, một người tiêu dùng cho hay.
Giờ đây, người tiêu dùng đã xem nhãn OCOP trên sản phẩm như một lời cam kết cho chất lượng hàng nông sản, thực phẩm, thảo dược, đồ thủ công... của Quảng Ninh. "OCOP - Mỗi xã, phường một sản phẩm", chương trình được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2013 dựa trên các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương, nay đã hái "trái ngọt".
Ông Nguyễn Xuân Bách (Công ty CP Thương mại và Dịch vụ miến dong Bình Liêu), hiện là chủ cơ sở sản xuất miến với công suất 400 tấn/năm kể, đặc sản miến làm từ củ dong riềng của bà con vùng biên cương Bình Liêu trước kia chỉ bán nhỏ lẻ, chỉ khi có OCOP mới trở thành sản phẩm hàng hóa rộng rãi.
“Những ngày đầu mở xưởng quy mô nhỏ, làm theo kinh nghiệm, ít người biết đến. Chỉ đến khi tham gia OCOP chúng tôi tuân thủ theo các tiêu chí rõ ràng, có mục đích phấn đấu, đầu tư nhà xưởng, máy móc, bao bì nhãn mác theo quy chuẩn. Ngay cả in chi tiết trên bao bì, kích cỡ cũng phải học mới biết, rồi cải tiến quy trình chất lượng mới đủ khả năng ra thị trường”, ông Nguyễn Xuân Bách cho biết.
Ông Hoàng Quốc Việt là người nuôi ong mật 21 năm tại huyện miền núi Hải Hà. Từ việc bán trao tay, sau khi tham gia OCOP, được hỗ trợ bao bì nhãn mác nâng cao chất lượng, cho đến quảng bá tại các hội chợ, giờ ông đã mở rộng sản xuất trên 90 đàn ong, thu 500 lít mật/năm.
“Trước khi vào OCOP, sản phẩm của mình làm ra ít người biết, bây giờ tôi tham gia chương trình, đóng góp công sức mình cho chương trình của địa phương và chung của cả nước. Qua đây, tôi nhận thấy thị trường của mình được mở rộng hơn, có thêm nhiều người biết tới, xây dựng hàng hóa có nhãn hiệu theo tiêu chuẩn. Khách hàng có yêu cầu cao mình cũng đáp ứng được”, ông Hoàng Quốc Việt chia sẻ.
Trà hoa vàng Ba Chẽ, gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, dầu sở Bình Liêu... nhiều sản vật địa phương có nguy cơ mai một nay đã được "hồi sinh", nhiều nông dân nghèo biết khai thác lợi thế đã vươn lên thành triệu phú trên chính mảnh đất quê hương. OCOP trở thành lời giải cho bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, hộ gia đình, nâng cao giá trị giá trị sản xuất.
Sau 6 năm, OCOP đã đưa các nông sản địa phương từ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu trở thành sản phẩm hàng hóa, có quy trình sản xuất được kiểm soát khắt khe, có chứng nhận chất lượng. Không còn chỉ bày bán ở chợ, sản phẩm OCOP vào các trung tâm thương mại, Big C, Vinmart, tham gia hội chợ hàng Việt tại nhiều tỉnh, ra các hội chợ quốc tế.
Những ngày đầu chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia, hiện Quảng Ninh có hơn 400 sản phẩm, trong đó có gần 200 sản phẩm được xếp hạng 3-5 sao. Hơn 160 đơn vị sản xuất, hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn, tránh ly nông, ly hương. Từ năm 2010 - 2019, thu nhập trung bình của người dân nông thôn Quảng Ninh tăng từ 10,9 triệu đồng/năm đã lên tới 40 triệu đồng/năm.
Điều khẳng định thành công của Chương trình OCOP Quảng Ninh chính là việc tỉnh đã trở thành hình mẫu để Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2018-2020 trên toàn quốc. Quảng Ninh bước vào giai đoạn 2 của Chương trình với nhiều thách thức hơn. Thời gian đầu, việc sản xuất "nhiều nhưng không chất", quá trình sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, năng lực quản lý của các cơ sở sản xuất chưa tốt, chưa xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi, thậm chí đã từng có tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến dư thừa sản phẩm phải "giải cứu".
Khi việc sản xuất các sản phẩm OCOP dần đi vào ổn định và khẳng định được thương hiệu, việc nắm bắt thị trường và mở rộng kết nối cung - cầu trở nên có ý nghĩa sống còn đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp.
Ông Nịnh Văn Trắng, một tỷ phú OCOP với cây trà hoa vàng Ba Chẽ cũng thừa nhận, việc đánh giá thị trường, xây dựng chiến lược quảng bá, bảo hộ thương hiệu của các doanh nghiệp, HTX còn gặp nhiều khó khăn: “Chúng tôi cần nhất hiện nay là marketing, đội ngũ của chúng tôi yếu, hiện đang nhờ truyền thông, ban OCOP từ xã tới huyện có nhà trưng bày sản phẩm”.
Bà Vũ Hoàng Thu Hằng, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ lợn Móng Cái cũng cho rằng: “Đối với doanh nghiệp chúng tôi thì thị trường chủ yếu là ở Hà Nội, Quảng Ninh, chưa có thị trường nhiều hơn các tỉnh bạn. Nhu cầu của người tiêu dùng rất rộng nhưng chưa biết đến giá trị của lợn Móng Cái. Rất mong sự hỗ trợ qua các kênh truyền thông marketing, tham dự các hội chợ để chúng tôi có cơ hội quảng bá và giới thiệu sản phẩm”.
Giai đoạn 2, Quảng Ninh đặt mục tiêu đưa hoạt động OCOP vào chiều sâu, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Để làm được điều này, PGS.TS Trần Văn Ơn, Công ty Dược khoa DK pharma, đơn vị tư vấn Đề án OCOP tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Việc chúng ta kết nối người dân là các tổ chức hợp tác xã với doanh nghiệp đối tác sẽ nâng tầm sản phẩm OCOP lên một cấp khác. Thứ nhất là đối tác đầu vào để đảm bảo nguồn nguyên phụ liệu đầu vào chuẩn, tốt, thường xuyên. Thứ hai là tiêu thụ các sản phẩm đầu ra, thông qua đó người dân kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm của mình, tới được nhiều thị trường đích hơn?.
Bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cũng cho hay, Quảng Ninh cần tập trung vào tín hiệu của thị trường để phát triển bền vững theo mô hình chuỗi ổn định: “Một trong những giải pháp quan trọng là nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu tiêu thụ cũng như dung lượng của thị trường. Nên phân loại các sản phẩm OCOP, có những sản phẩm chỉ chuyên phục vụ khách du lịch, thứ 2 là dòng sản phẩm sẽ được tiêu thụ lớn là sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống người lớn với sản lượng lớn”.
Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới, Phó Ban chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh cho biết, để tạo bước đột phá trong giai đoạn tiếp theo, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố quyết định. Ban Chỉ đạo OCOP đã mạnh tay trong việc đánh giá, kiểm tra trước khi đăng ký nhãn hiệu, cho đến quá trình sản phẩm tới tay người tiêu dùng, kiên quyết "rút sao", loại khỏi chương trình những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Để bật lên chúng tôi xác định mấy điểm chính. Thứ nhất là tiếp tục khơi dậy sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh địa phương tham gia OCOP, từ đó người dân được hưởng lợi. Thứ 2, trong số đó lựa chọn những sản phẩm chủ lực để dồn lực tập trung, vươn ra thị trường lớn hơn, hoàn thiện dần quy trình sản xuất, giúp cho bà con liên kết lại với nhau, nâng cao chất lượng để từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn”, ông Vũ Thành Long nói.
Chiến lược của Quảng Ninh là tập trung vào các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và cấp quốc gia với những hỗ trợ, đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, chủ động xúc tiến thương mại rộng rãi, có chế tài mạnh để siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm. Đến năm 2020, Quảng Ninh sẽ hình thành 12 chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và 6 chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp quốc gia, nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương, nâng cao nguồn lực kinh tế cho khu vực nông thôn. Trong đó, việc nâng cao mức sống cho nông dân và khu vực nông thôn vẫn là mục tiêu trọng tâm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường kỳ vọng: “Tỉnh Quảng Ninh phải bứt phá hơn nữa, đi tiên phong trong toàn quốc về xây dựng khu vực nông thôn. Khó nhưng làm được, tôi tin tưởng Quảng Ninh với khát vọng như giai đoạn vừa rồi sẽ làm được. Xây dựng giai cấp nông dân hoàn toàn làm chủ kinh tế nông thôn, xác định vị thế của người dân thông qua phong trào sản xuất OCOP, giám đốc HTX, doanh nghiệp, không phải là người làm ruộng mà là quản trị nông nghiệp, nông thôn trong bức tranh phát triển chung của tỉnh”./.
Theo VOV