Thứ Tư, 27/11/2024 00:38:20 GMT+7
Lượt xem: 1272

Tin đăng lúc 02-12-2020

‘Không bàn lùi’

Trong nhiệm kỳ mà nhiều thách thức cứ rình rập trong từng năm, từng quý, thậm chí trong từng giờ, Chính phủ “chỉ có bàn tiến, không có bàn lùi”. Các thách thức càng trở nên dữ dội thì quyết tâm càng trở nên mạnh mẽ.
‘Không bàn lùi’
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Mục tiêu đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Nhớ lại ấn tượng về “không bàn lùi”, một đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị của Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trong tuần qua, đã chia sẻ câu chuyện “nghẹt thở” về xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư. Khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến thời điểm có hiệu lực mà có đến trên 50 nghị định cần sửa đổi, trên 3.000 điều kiện kinh doanh cần rà soát. Lúc đó, có ý kiến cho rằng, có lẽ phải xin lùi bởi không đủ thời gian hoàn thành khối lượng đồ sộ như vậy.


Tôi nhớ lúc đó Thủ tướng đã nói rằng, trong Chính phủ không có chỗ để bàn lùi”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, VCCI… đã “chụm đầu” soi xét từng văn bản để đưa ra quyết định việc cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh.

 

“Không bàn lùi”, đây cũng là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới trong cuộc họp Thường trực Chính phủ vào tuần này về vấn đề BOT giao thông, trong đó có việc thu phí không dừng, khi mà hạn chót chỉ còn hơn một tháng nữa. Trường hợp đến 31/12/2020 mà chưa vận hành trạm thu phí tự động thì Bộ Giao thông vận tải quyết định dừng hoạt động thu phí theo đúng quy định của pháp luật. Không có bàn lùi vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ quan điểm.

 

Cách đây 5 tháng, tại hội nghị sơ kết nửa chặng đường năm 2020 của ngành tài chính, nghe một số tỉnh, thành phố nêu nhiều về khó khăn, Thủ tướng băn khoăn, "các địa phương đều khó khăn cả. Khó thì ai cũng biết rồi. Khó mới phải cố gắng, nỗ lực vượt lên chứ không bàn lùi”. Trong bối cảnh khó khăn, chính quyền, các ngành cần phát huy tinh thần “tiến công”, sáng tạo, cùng cố gắng tiến lên để phục hồi kinh tế. "Đây không phải là lúc kêu khó, kêu khổ… Mức độ tác động của COVID-19 đều đã khá rõ". Và Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi tại Hội nghị, được nghe nhiều ý kiến, từ TP. Hà Nội đến các tỉnh Cà Mau, Sơn La, Hải Phòng cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác thể hiện quyết tâm cao không điều chỉnh chỉ tiêu về thu ngân sách năm nay hoặc điều chỉnh rất ít…

 

Ngay từ những ngày đầu kiện toàn bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới, năm 2016, Chính phủ đã hành động rất quyết liệt.

 

Năm 2016, các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đều giảm sút so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, lĩnh vực là bệ đỡ của nền kinh tế - nông, lâm, thủy sản - đã rơi xuống đáy do thị trường giá cả xuất khẩu nông sản lao dốc, diễn biến xâm nhập mặn, hạn hán khốc liệt…

 

Trong ba kịch bản cho nền kinh tế năm 2016, Thủ tướng chọn kịch bản khó nhất với quyết tâm Chính phủ chỉ tiến, không lùi bước trước khó khăn, thách thức; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

 

Dù GDP năm 2016 hụt đích, nhưng tinh thần luôn chọn kịch bản khó nhất này đã đưa GDP liên tục các năm 2017, 2018, 2019 ở ngưỡng được dư luận đánh giá là “kỳ tích”. Trong đó, năm 2019 đạt hơn 7%, cao hơn kế hoạch, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

 

Bước sang năm 2020, “một năm “thử lửa” đối với trí tuệ, bản lĩnh, ý chí của chúng ta”, khi mà dịch bệnh, thiên tai lịch sử, bão chồng bão, lũ chồng lũ, gây tác động tiêu cực nghiêm trọng. Dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới âm rất sâu ở tất cả các khu vực. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần “khó khăn gấp đôi, chúng ta phải cố gắng gấp 3, không chùn bước, không bàn lùi để phát triển đất nước, phát triển các địa phương”.

 

Tinh thần này cũng được Thủ tướng quán triệt khi gỡ vướng trong nhiều vấn đề khó như xây dựng Chính phủ điện tử hay đẩy mạnh đầu tư công để góp nguồn lực cho tăng trưởng.

 

Không bàn lùi về xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề mới, khó nhưng nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ nếp cũ thì khó thành công. “Cơ quan, địa phương nào, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và xử lý thì công cuộc này mới thành công”. Đến nay, công cuộc xây dựng Chính phủ đạt được bước tiến vượt bậc. Trục liên thông văn bản quốc gia từ ngày 12/3/2019 đến nay đã gửi, nhận hơn 3,5 triệu văn bản điện tử, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ vận hành từ ngày 24/6/2019 giúp tiết kiệm 169 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia khai trương ngày 9/12/2019 giúp mỗi năm tiết kiệm khoảng 6.300 tỷ đồng.

 

Cũng với tinh thần “không lùi bước”, bức tranh về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đã có nhiều hơn những gam màu sáng, trong khi mọi năm, đây được xem là một trong những khâu yếu nhất. Giải ngân đầu tư công sẽ là dấu ấn của nhiệm kỳ này, khi nó vừa là một bức tranh đầy sắc mầu về tinh thần trách nhiệm, vừa là một câu chuyện đầy ấn tượng.

 

Cứ mỗi khi bắt đầu năm mới, việc đầu tiên Chính phủ bàn tới là “phải từ bỏ cho được tâm lý “đầu năm thong thả”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương, “sát sạt hơn nữa để tháo gỡ ngay trong những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm bởi chậm một ngày là thêm một ngày lãng phí tiền thuế của dân”.

 

Vào mùa hè năm ngoái, giải ngân đầu tư công bước vào giai đoạn cao trào nhất. Tình hình rất đỗi gay cấn, Người đứng đầu Chính phủ phải triệu tập khẩn cấp một Hội nghị toàn quốc về giải ngân đầu tư công vào tháng 9/2019 để điểm mặt chỉ tên từng nơi còn đang đình trệ. Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 94 về thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

 

Trong năm nay, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, đầu tư công càng thể hiện vai trò đòn bẩy cho nền kinh tế bật dậy sau đại dịch. Trong 4 tháng qua, Thủ tướng chủ trì 3 hội nghị lớn về giải ngân. Giữa tháng 7/2020, vài ngày sau chuyến kiểm tra đầu tiên tại tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công. Kinh nghiệm được rút ra từ Ninh Bình là phải thường xuyên họp giao ban HĐND, UBND để giải quyết ngay vướng mắc. Sau đó, Chính phủ đã lập 7 đoàn công tác kiểm tra việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm trưởng đoàn.

 

Cũng trong tháng 7/2020, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bến Tre, một trong 12 tỉnh có mức tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2020. Đây cũng là lần đầu tiên từ trước đến nay “xứ dừa” có mức tăng trưởng âm, vì gặp “tác động kép” là ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xâm nhập mặn nghiêm trọng.

 

Chia sẻ với khó khăn của tỉnh, về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ tinh thần “quyết bàn tiến mà không bàn lùi trong phát triển”. “Tỉnh cam kết giải ngân 80%, nhưng tôi khoán thêm cho tỉnh 10% nữa, tức là phải giải ngân ít nhất 90%”, Thủ tướng quyết liệt.

 

Sang tháng 8/2020, Thủ tướng tiếp tục chủ trì Hội nghị giao ban toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công để xem đã giải quyết đến đâu “3 đọng” thường thấy trong vấn đề giải ngân: Vốn đọng (có tiền đó mà không tiêu được), nợ đọng (tức là hạn mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”) và thủ tục đọng. Khi đã có sự vào cuộc quyết liệt thì công việc chuyển biến mạnh mẽ. Trong tháng 7 và 8 đã có kết quả đáng mừng. Phần lớn các bộ, ngành, địa phương đều hứa, có quyết tâm giải ngân từ 95-100% vốn đầu tư công, nhất là những địa phương có số vốn lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng.

 

Tinh thần “không lùi bước” thực sự đã đem lại kết quả “tiến triển”. Năm 2020, nước ta có thể đạt mức tăng trưởng 2% đến 3%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020, quy mô GDP của Việt Nam sẽ đạt hơn 340,6 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở khu vực Đông Nam Á. Theo công bố mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.

 

Thấy rõ một Chính phủ kiên cường tiến bước trong gió ngược khi ngày 10/11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, “thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất của chúng ta không phải là tụt hậu về kinh tế; mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động”. Kết thúc bài phát biểu tại nghị trường Quốc hội, Thủ tướng đã mượn ý thơ của Bác Hồ: “thịnh vượng và phát triển; quyết chí ắt làm nên”.

 

Theo Chinhphu


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang