UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND về tổ chức hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) năm 2021 của thành phố Hà Nội.
Theo đó, đối tượng, điều kiện tham dự GTCLQG năm 2021 của thành phố Hà Nội gồm tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, quy mô, thành phần kinh tế có tư cách pháp nhân đã đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian ít nhất 36 tháng tính đến thời điểm đăng ký tham dự Giải thưởng chất lượng quốc gia.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp đã đạt Giải vàng Chất lượng Quốc gia, ngoài các điều kiện nêu trên, sau hai năm kể từ năm được Thủ tướng Chính phủ tặng Giải vàng chất lượng quốc gia được tiếp tục tham dự lại GTCLQG năm 2021.
UBND TP.Hà Nội cũng nêu rõ, GTCLQG được đánh giá, tính điểm theo 7 tiêu chí với tổng điểm tối đa là 1.000 điểm. Cụ thể tiêu chí vai trò của lãnh đạo 120 điểm; chiến lược hoạt động 85 điểm; chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường 85 điểm; đo lường, phân tích và quản lý tri thức 90 điểm; quản lý nguồn nhân lực 85 điểm; quản lý quá trình hoạt động 85 điểm; kết quả hoạt động 450 điểm.
Về cơ cấu giải thưởng, doanh nghiệp đạt từ 600 điểm trở lên được đề nghị xét tặng Giải thưởng chất lượng quốc gia; doanh nghiệp đạt từ 800 điểm trở lên được đề nghị xét tặng Giải vàng chất lượng quốc gia.
Về tiến độ triển khai, cấp thành phố, tháng 11 và 12/2021 dự kiến sẽ tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động GTCLQG của thành phố (nếu có). Đối với cấp quốc gia, tháng 12/2021, dự kiến tổ chức họp báo công bố kết quả doanh nghiệp tham dự năm 2021 và lễ trao GTCLQG năm 2021 và Giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2021.
UBND thành phố yêu cầu, không phân biệt các loại hình, quy mô của tổ chức, doanh nghiệp; không hạn chế số lượng các tổ chức, doanh nghiệp tham dự. Việc xét tặng phải bảo đảm công khai, khách quan và công bằng theo phương pháp chuyên gia đánh giá, cho điểm trên cơ sở các tiêu chí của GTCLQG.
Về quyền lợi của tổ chức, doanh nghiệp đạt giải, các tổ chức, doanh nghiệp đạt GTCLQG được phép thông báo, tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức giới thiệu khác về đơn vị mình, được sử dụng biểu tượng của GTCLQG trên sản phẩm, ấn phẩm của tổ chức, doanh nghiệp.
Tổ chức, doanh nghiệp đạt Giải vàng Chất lượng Quốc gia được KH&CN đề cử tham dự các giải thưởng chất lượng khu vực và quốc tế. Các tổ chức, doanh nghiệp đạt giải được ưu tiên vay vốn từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, của tỉnh và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; ưu tiên tham gia các chương trình, dự án cấp quốc gia về phát triển, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng.
Các tổ chức, doanh nghiệp đạt giải được các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khen thưởng theo quy định từ nguồn quỹ khen thưởng hằng năm. Các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham dự GTCLQG được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Sở KH&CN hướng dẫn: Xây dựng báo cáo giới thiệu chung về tổ chức, doanh nghiệp và báo cáo tự đánh giá theo 07 tiêu chí của GTCLQG.
GTCLQG là giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Giải được trao tặng hàng năm nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức, doanh nghiệp đạt Giải vàng Chất lượng Quốc gia được nhận cúp và giấy chứng nhận; nếu đạt Giải vàng Chất lượng Quốc gia trong 2 năm gần nhất được xem xét, lựa chọn tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương.
Theo VietQ