Cung không kịp cầu
Theo phương án cơ sở của tổng sơ đồ điện IV, mức tiêu thụ điện của Việt Nam giai đoạn từ 2006-2025 sẽ tăng bình quân 17%/năm. Dự báo này đã tính đến mức dự phòng cần thiết, nhằm bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định cho toàn hệ thống, nhưng nhu cầu thị trường lại không diễn biến như mong đợi của các nhà làm quy hoạch. Trong những tháng đầu năm nay, mức tiêu thụ điện của Việt Nam tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2015 và trong 10 năm tới, để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, theo dự báo mỗi năm Việt Nam phải có thêm từ 10.000-15.000 MW công suất nguồn, tương đương khoảng 1/2 công suất hiện nay của cả nước. Đây là khó khăn, thách thức lớn không chỉ ở nguồn kinh phí khổng lồ lên đến 15-20 tỷ USD/năm - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm tiến độ của nhiều công trình điện hiện nay. Bên cạnh đó, nguồn cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy điện hoạt động hiện nay vẫn là ẩn số chưa tìm được lời giải thỏa đáng.
Quy hoạch tổng sơ đồ điện IV đã xác định danh mục các nhà máy điện sẽ được xây dựng từ năm 2010-2025. Theo danh mục này, trong khoảng 10-15 năm tới, nguồn cung điện của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Từ năm 2016 trở đi, nhiệt điện than sẽ chiếm đến 80% tổng công suất của các nhà máy điện mới. Xu hướng phát triển này sẽ sớm biến Việt Nam từ một nước xuất khẩu than thành nước nhập khẩu than lớn trong khu vực.
Nếu các dự án điện được đưa vào khai thác đúng tiến độ, đến năm 2016 tổng công suất các nhà máy điện chạy bằng than của Việt Nam sẽ lên khoảng 45.000 MW. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ than của ngành điện vào khoảng 75-80 triệu tấn/năm, trong khi, tổng lượng than khai thác của tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV) trong năm 2015 chỉ đạt khoảng 40 triệu tấn. Theo TKV, khả năng khai thác than trong nước đã gần đến đỉnh, mà sản lượng than tối đa của Việt Nam có thể khai thác chỉ quanh mức 50 triệu tấn/năm, do những mỏ than lộ thiên đã gần cạn, còn việc khai thác hầm lò thì lại khó có thể đạt sản lượng lớn. Theo tính toán của TKV, đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập 100 triệu tấn than và nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo, có thể lên tới 200 triệu tấn vào năm 2025.
Mặc dù Bộ Công Thương đã ký được biên bản ghi nhớ về nhập khẩu than với đại diện chính phủ của một số nước. Tuy nhiên, điều này cũng chưa đảm bảo chắc chắn sẽ giải quyết đủ nguồn than cho các nhà máy điện trong nước. Bên cạnh đó, khó khăn là các nước không có sẵn than để bán cho Việt Nam, vì muốn có than để mua, Việt Nam phải đầu tư vào các quốc gia có mỏ để khai thác. Đó là chưa nói tới vấn đề cần một nguồn vốn khổng lồ để đầu tư, chỉ riêng việc làm thế nào để có được sản lượng từ 100-200 triệu tấn than/năm đưa về nước quả là một vấn đề nan giải. Ngay cả khi nhập được than, Việt Nam cũng vấp phải bài toán khó về giá cả. Hiện các nhà máy điện đang được mua than của TKV với giá chưa bằng 1/2 giá xuất khẩu, nhưng một khi phải nhập khẩu than, chế độ ưu đãi về giá nguyên liệu sẽ không còn. Khi đó, nếu Chính phủ không giải quyết được yêu cầu về tăng giá điện, chắc chắn sẽ chẳng có nhà đầu tư nào dám đầu tư vào nhiệt điện than.
Từ nhiều năm qua, các chuyên gia trong ngành năng lượng đã khuyến cáo nên phát triển mạnh năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và cả điện hạt nhân. Tuy nhiên, do hạn chế về kỹ thuật và nhất là vấn đề về giá thành, nên các lĩnh vực này chưa phát triển được. Hơn nữa, Việt Nam đang cần huy động nhanh những nguồn điện công suất lớn, mà năng lượng tái tạo lại không đáp ứng được yêu cầu này. Ngay cả với điện hạt nhân, dù Việt Nam có thành công trong việc đưa bốn nhà máy điện đầu tiên lần lượt vận hành vào các năm 2020-2026 thì cũng chỉ đảm nhận được 7-10% tổng nhu cầu công suất cần tăng thêm.
Giải pháp tăng giá điện
Từ mười năm trở về trước, các chuyên gia trong, ngoài nước đã chỉ ra tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam là rất lớn. Nếu tính theo tỷ lệ giữa lượng điện tiêu thụ và GDP, mức tiêu thụ điện của Việt Nam nhiều gấp năm lần Nhật Bản, Hồng Kông và gấp hai lần Philippines, một quốc gia có nền kinh tế không nổi trội hơn nhiều so với Việt Nam. Dường như hiệu quả sử dụng điện còn đang tiếp tục xấu đi. Với mức dự báo nhu cầu điện năm nay tăng trên 20%, trong khi tốc độ tăng GDP chỉ khoảng 5,5-6%, tỷ lệ giữa tăng nhu cầu điện và tốc độ tăng GDP không còn là hai lần như những năm trước nữa.
Nếu có thể giảm mức tăng nhu cầu tiêu thụ điện xuống ngang với tốc độ tăng trưởng GDP như nhiều quốc gia khác thì không thể chỉ có tiết kiệm được khoản tiền khổng lồ để xây nhà máy điện, mà còn giúp cho việc giải bài toán an ninh năng lượng trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời đây cũng là một trong những điều kiện bảo đảm cho khả năng cạnh tranh và sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Song, vấn đề đặt ra là giải pháp nào để đạt được mục tiêu này?
Nhiều năm qua, với những nỗ lực tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp và người dân dường như vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Tại các cuộc hội thảo bàn về chủ đề này, không ít diễn giả cho rằng, không thể chỉ tuyên truyền, khuyến khích, mà phải có giải pháp kinh tế. Việc hạn chế cho tăng giá điện, tuy giúp người dân bớt gánh nặng chi tiêu, nhưng cũng góp phần “dung túng” cho thói quen sử dụng điện lãng phí, đồng thời còn hạn chế khả năng thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển nguồn nhiệt điện.
Hiện nay, nhiệt điện chạy bằng than chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng công suất nguồn điện của cả nước, thủy điện gần 40%, còn lại là nhiệt điện chạy bằng khí đốt. Nhưng, trong tương lai gần, nhiệt điện chạy bằng than sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hệ thống và khi ấy giá điện chắc chắn sẽ phải cao hơn hiện nay rất nhiều, nhất là khi phải sử dụng than nhập khẩu. Việc giá điện tăng, chẳng những buộc người dân và doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến hiệu quả sử dụng điện, mà còn có tác dụng khuyến khích đầu tư để tiết kiệm năng lượng, vì hiệu qủa thu được lớn hơn. Ngoài ra, một khi mặt bằng giá điện được nâng lên, chênh lệch giá bán và giá thành các loại năng lượng tái tạo sẽ thu hẹp, qua đó tạo động lực thu hút đầu tư để phát triển năng lượng sạch.
Hoàng Anh