Thứ Sáu, 22/11/2024 16:11:11 GMT+7
Lượt xem: 1371

Tin đăng lúc 27-07-2021

Khuyến công Đà Nẵng: Đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp khu vực nông thôn

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại của thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nhiều đề án khuyến công, tư vấn khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từng bước phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, ổn định sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng ngàn lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.
Khuyến công Đà Nẵng: Đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp khu vực nông thôn
Sản xuất tại Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh, đơn vị được thụ hưởng từ nguồn kinh phí khuyến công

Với tinh thần và trách nhiệm của mình, TTKC Đà Nẵng đã làm tốt công tác khuyến công, đem lại hiệu quả thiết thực tạo nên một diện mạo mới cho ngành nghề nông thôn nơi đây phát triển, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn.

 

Theo báo cáo của Sở Công thương cho biết: Tổng kinh phí khuyến công Quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt giai đoạn 2016-2020 cho thành phố Đà Nẵng là 5,25 tỷ đồng với 17 đề án. Tổng kinh phí khuyến công địa phương phê duyệt và thực hiện là 5,7 tỷ đồng, với tổng số 72 đề án.

 

Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng về việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn tại thành phố, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực nông thôn theo hướng phát triển bền vững, TTKC đã triển khai khảo sát, xây dựng đề án tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn bằng nguồn vốn khuyến công. Qua triển khai, thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020, TTKC đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc thiết bị mới, hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp được thụ hưởng nguồn vốn khuyến công như: Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Long Bửu, Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt Trời, Công ty TNHH Tiến Thắng, hộ kinh doanh Đà Tửu, Cơ sở sản xuất và kinh doanh nhựa Bình Minh, Hợp tác xã Thực phẩm nông sản an toàn Thu Bồn, Công ty CP công nghệ Đức Huy, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh, chế biến, xuất nhập khẩu Hương Quế, Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ Lê House, hộ kinh doanh rượu cần Lê Văn Nghĩa…

 

Nổi bật là Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) nhận sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công quốc gia với tổng số 3 lần được thụ hưởng lên tới lên tới 700 triệu đồng để đổi mới máy móc, thiết bị. Với sản phẩm chủ lực là “tủ bảng điện”, ngoài việc cung ứng thị trường trong nước, đơn vị còn bắt đầu xuất khẩu ra một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

 

Tương tự, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng (huyện Hòa Vang) đã 3 lần nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia và địa phương với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, đến nay, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng đã có nhiều bước phát triển tốt hơn.

 

Hiệu quả là đã rõ, Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020 là hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây là chương trình được thực hiện nhiều nhất, chiếm gần 40% kinh phí khuyến công quốc gia và gần 60% kinh phí khuyến công địa phương vì phù hợp với nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp. Các đề án khuyến công được triển khai phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển và lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Trong thời gian tới, Khuyến công Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ ngành nghề, sản phẩm có khả năng, triển vọng phát triển và tranh thủ mọi nguồn lực. Từ nguồn vốn khuyến công của quốc gia và địa phương sẽ đặt mục tiêu hỗ trợ xây dựng 7-10 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cho 70 - 80 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn, sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp; 400 lượt học viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho khoảng 30 đơn vị; xây dựng 5 - 6 mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm cho khoảng 40 cơ sở…

 

Bên canh đó, Sở Công Thương Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong các cụm công nghiệp làng nghề; sớm ban hành danh mục, định mức dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực khuyến công để các địa phương căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật nhằm cân đối nguồn thu hoạt động tự chủ của địa phương.

 

Quang Vinh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang