Nhằm khuyến khích doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 2017, TTKC Bắc Giang đã quyết định hỗ trợ Công ty CP VINAHAN thực hiện đề án “Ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu”. Mục tiêu của đề án là nhằm hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng máy nhồi lông vũ tự động vào quy trình sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Qua đó, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài và có thể cạnh tranh được với hàng may mặc của Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia….
Công ty Cổ phần VINAHAN được thành lập năm 2010, với ngành nghề chính là may mặc hàng gia công xuất khẩu. Tuy là một doanh nghiệp còn khá non trẻ nhưng các sản phẩm của Công ty đã được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tin dùng bằng những hợp đồng nhập khẩu hàng hóa dài hạn. Để kịp thời đáp ứng các đơn hàng mà Công ty đã ký kết, theo kế hoạch 2017, Công ty đã đầu tư thêm 01 máy nhồi lông vũ tự động nhằm chủ động tốt nguồn nguyên liệu trong sản xuất.
Đánh giá về tính hiệu quả của máy sau một thời gian vận hành, ông Thân Đức Thế - Chủ tịch HĐQT Công ty CP VINAHAN cho biết, máy nhồi lông vũ tự động do TTKC Bắc Giang hỗ trợ chúng tôi có nhiều ưu điểm như cân chính xác, bộ phận sấy đảo làm cho lông vũ luôn khô và tơi trước khi gắn kết vào sản phẩm. Trong quá trình vận hành, khi hết nguyên liệu, máy sẽ có tính năng tự động hút lông lên thùng chứa. Bên cạnh đó, thiết bị có hệ thống thu hồi lông thừa tự động, giúp cho phòng nhồi lông vũ luôn sạch sẽ, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động; Năng suất máy bằng 10 công nhân trực tiếp làm so với trước đây. Nhờ đó, tạo ra những sản phẩm may mặc có chất lượng cao, tạo điều kiện giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng các quy định để xuất khẩu sang thị trường các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Dự kiến, sau một năm đi vào hoạt động sản xuất ổn định, máy móc, thiết bị hỗ trợ đầu tư sẽ góp phần đưa Công ty đạt doanh thu khoảng 80 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng; Nộp thuế và các khoản phải nộp cho ngân sách nhà nước 5 tỷ đồng; Giải quyết việc làm ổn định cho 500 lao động, với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Có thể nói, thành công của đề án đã tạo dựng được niềm tin cho các doanh nghiệp, khi tham gia xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Hiệu quả thu được từ chương trình sẽ là cơ sở để TTKC Bắc Giang giới thiệu, khuyến khích phát triển ngành May mặc tại địa phương theo hướng công nghệ hiện đại trong thời gian tới. Qua đó, tạo điều kiện cho công nghiệp nông thôn tỉnh nhà phát triển theo đúng “Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Dệt, May tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015 – 2025” do Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt.
Tuấn Anh