Được sự quan tâm của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) và UBND tỉnh, năm qua, TTKC Bắc Kạn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tổ chức triển khai và hoàn thành 08 đề án với tổng kinh phí thực hiện là 823 triệu đồng. Cụ thể, Trung tâm đã hỗ trợ các đề án gồm: "Ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến nông sản" cho Công ty TNHH nhà máy Curcumin Bắc Hà; “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến thực phẩm” cho HTX Bún phở Quỳnh Niên (thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn); “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến nông sản và thực phẩm” cho HTX Hoàng Huynh (xã Khang Ninh, huyện Ba Bể); “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” cho Hộ kinh doanh Trần Bình Minh (thôn Nà Lạn, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn); “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến tinh bột và sản xuất miến dong” tại Hộ kinh doanh Nông Thị Dung (thôn Nà Ngò, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể...
Tính đến thời điểm hiện tại, các đề án đều đã phát huy tính hiệu quả về kinh tế cho các đơn vị được hưởng thụ. Điển hình với đề án hỗ trợ "Ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến nông sản" của Công ty TNHH nhà máy Curcumin Bắc Hà, sau khi đầu tư mở rộng và đưa máy móc thiết bị chế biến nông sản vào sản xuất, đến nay, hệ thống dây chuyền vận hành ổn định và các sản phẩm Curcumin được chiết xuất từ củ nghệ tươi của Công ty đã đạt đến độ tinh khiết cao. Từ đó, đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết thêm việc làm tại chỗ cho 08 lao động tại địa phương với mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả, ngay từ đầu năm 2020, TTKC Bắc Kạn đã xây dựng và triển khai kế hoạch khuyến công địa phương trong năm với 07 nhiệm vụ. Theo đó, sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất các sản phẩm mà tỉnh có lợi thế về vùng nguyên liệu, như: Chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng; Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao công nghệ sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; Hỗ trợ các đề án ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất; Đào tạo khởi sự doanh nghiệp nhằm góp phần từng bước hiện thực hóa ý tưởng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương; Phối hợp tổ chức “Chương trình hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho các cơ sở CNNT” tại tỉnh Bắc Kạn…
Có thể khẳng định, qua các chương trình hoạt động có tính thực tiễn và đạt hiệu quả cao, cán bộ làm công tác khuyến công của TTKC Bắc Kạn đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Qua đó, đã tiếp đà bứt phá và có bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển của ngành Công Thương tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP.
Anh Tuấn