Trong khi đó, nguồn cung trong nước còn hạn chế, đặc biệt, các khuôn mẫu ô tô, xe máy vẫn phải nhập khẩu với chi phí cao. Trên cơ sở nghiên cứu thị trường, Công ty TNHH Cơ khí chính xác, Dịch vụ và Thương mại Việt Nam (Yên Phong, Bắc Ninh) đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất khuôn mẫu ô tô, xe máy để phục vụ thị trường trong nước.
Nhận thấy sản phẩm khuôn mẫu ô tô, xe máy của DN là những sản phẩm mới, chưa có đơn vị nào trên địa bàn huyện Yên Phong sản xuất được. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Khuyến công) Bắc Ninh đã quyết định phối hợp và hỗ trợ Công ty TNHH Cơ khí chính xác, Dịch vụ và Thương mại Việt Nam thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất khuôn mẫu ô tô, xe máy, với mục tiêu khuyến khích DN phát triển, giải quyết việc làm cho lao động, cũng như mở rộng ngành nghề công nghiệp mới tại địa phương. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn tỉnh nhà.
Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất của dự án là hơn 50,7 tỷ đồng. Trong đó, Khuyến công Bắc Ninh hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2016. Khi đi vào hoạt động, hàng năm, Công ty dự kiến sẽ cho ra đời hơn 105 tấn thành phẩm các loại (tương đương 500 tấn sản phẩm nguyên liệu) với doanh thu đạt trên 40 tỷ đồng. Đồng thời, giải quyết được việc làm cho 259 lao động có thu nhập ổn định với mức lương bình quân từ 3,5 – 5,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần ổn định đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương.
Lãnh đạo Trung tâm khuyến công Bắc Ninh kiểm tra chất lượng của sản phẩm
Đánh giá về tính hiệu quả của đề án, ông Trần Văn Hiện – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Bắc Ninh cho biết: “Thông qua sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, đến nay, Công ty TNHH Cơ khí chính xác, Dịch vụ và Thương mại Việt Nam đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất. Việc nhà máy ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất đã làm tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm. Qua đó, tạo điều kiện giảm giá thành, từng bước mở rộng thị trường và tăng thu nhập cho người lao động. Sau khi dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động đã có nhiều DN trong và ngoài tỉnh đến học tập và áp dụng công nghệ này vào sản xuất”.
Thông qua tính hiệu quả của đề án, có thể khẳng định, với những DN mới đi vào hoạt động thì khó khăn là điều khó tránh khỏi. Nhưng được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, đã trở thành “cú hích” để DN phát triển. Mỗi đề án khuyến công được triển khai đều thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ cơ sở công nghiệp khu vực nông thôn, khuyến khích các cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng được thương hiệu, khẳng định được vị thế của mình trên thị trường có sức cạnh tranh cao như hiện nay.
Lê Minh