Công tác khuyến công ở Bình Định đã thật sự trở thành “bà đỡ”, tạo động lực kích hoạt mạnh mẽ dòng sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) khởi sắc, góp phần tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Từ tín hiệu vui 2021
Ngày 12/4/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 1289/QĐ-UBND phê duyệt dự toán kinh phí khuyến công năm 2021 sử dụng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Theo đó, trên địa bàn Bình Định có 25 chương trình, đề án khuyến công địa phương được hỗ trợ thực hiện với tổng kinh phí 2.874 triệu đồng, trong đó, có 19 đề án của 19 cơ sở CNNT, với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện 2.440 triệu đồng.
Ông Võ Mai Hưng - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu các đề án khuyến công phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Như vậy, cùng với các đề án khuyến công quốc gia đã được phê duyệt trước đó, năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Định có 33 chương trình, đề án khuyến công được hỗ trợ thực hiện với tổng kinh phí 5.024 triệu đồng.
Từ tín hiệu vui này, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp (TVPTCN) Bình Định phối hợp Phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã triển khai đến các cơ sở CNNT có đề án được phê duyệt thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra. Nội dung bao gồm: Hỗ trợ 19 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp (CN) - tiểu thủ CN; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công cho 04 chương trình; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phối hợp xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh; xuất bản tin ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp và các hình thức thông tin đại chúng khác.
Đến những thành quả đang được nhân rộng
Lễ Công bố và Tôn vinh Sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Bình Định năm 2020
Thực hiện Chương trình khuyến công tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai 273 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí 21.912,5 triệu đồng; trong đó, khuyến công quốc gia chiếm 33,6%, khuyến công địa phương cấp tỉnh chiếm 52,3% và khuyến công địa phương cấp huyện chiếm 14,1% so tổng kinh phí. Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở CNNT mạnh dạn trong xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, nâng cao năng lực quản lý. Các sản phẩm CNNT phát triển mạnh, nhất là nhóm sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; đặc biệt, đã xuất hiện thêm nhiều sản phẩm mới thân thiện môi trường thay thế sản phẩm xốp nhựa sử dụng một lần, sản phẩm CN hỗ trợ, sản phẩm CNNT nhưng xuất khẩu trực tiếp 100%... Qua đó, nhiều ngành nghề tiểu thủ CN được khôi phục, số lượng cơ sở CNNT phát triển, đóng góp giá trị sản xuất CN bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 9,2%/năm, giá trị gia tăng CN tăng 9,6%/năm, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Khuyến công không chỉ được biết đến ở nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất mà còn hỗ trợ phát triển sản phẩm, phát triển thị trường; đồng hành với các cơ sở CNNT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hội nhập quốc tế về kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.
Ông Võ Mai Hưng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cùng Ban Giám khảo đánh giá, chấm điểm sản phẩm tham gia chương trình
Năm 2020, Sở Công Thương Bình Định lựa chọn và đăng ký 11 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 gồm:
Máy làm nhang vòng; Cụm sản phẩm trang bị tàu đánh bắt xa bờ; Dầu dừa tinh khiết; Bún Song Thằn của Cơ sở bún song thằn Hưng Đắt; Nước mắm Như Hoa – Tam Quan; Bánh tráng DALOP; Bánh tráng nước dừa Ba Quan; Bộ phụ tùng khớp nối ống nước của Công ty TNHH Sáu Lợi; Nước mắm 24 Tân Thịnh, Gạch đá mài Terrazzo của Công ty TNHH Bình Đê, TX. Hoài Nhơn; Máy tuốt lúa của HKD Quang Toàn…
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan của Công ty TNHH Nhân Hòa tham gia chương trình
Trước đó, tỉnh Bình Định cũng đã có 03 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019 gồm: Dầu dừa tinh khiết của HTXNN Ngọc An; Máy làm nhang vòng của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Hải Lan; Cụm sản phẩm trang bị tàu đánh bắt xa bờ của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Đường Minh.
Động lực mới, tầm nhìn mới từ công tác khuyến công
Để triển khai thực hiện các đề án khuyến công đã được phê duyệt hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2021 đảm bảo nội dung và tiến độ, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương trước tháng 10/2021, Sở Công Thương đề nghị các cơ sở CNNT tiếp tục phối hợp Trung tâm Khuyến công và TVPTCN triển khai thực hiện theo đúng nội dung hỗ trợ của đề án đã được phê duyệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ đã cam kết và báo cáo tiến độ thực hiện theo quy định; kịp thời thông báo UBND các huyện, thị xã, Trung tâm Khuyến công và TVPTCN và Sở Công Thương những thay đổi so với nội dung đề án đã đăng ký; phản ảnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án để Sở Công Thương xem xét, giải quyết; đồng thời, hoàn thành hồ sơ thủ tục, chuẩn bị điều kiện và đăng ký nghiệm thu đề án theo quy định. Đây là cơ sở vững chắc tạo đà cho Khuyến công Bình Định thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công gắn với phát triển sản phẩm CNNT thôn tiêu biểu và hình thành các “cụm sản xuất nông - CN ở nông thôn” trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, nhằm thực hiện thành công 150 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí 22 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Văn Thuận