Thứ Sáu, 22/11/2024 11:28:24 GMT+7
Lượt xem: 1248

Tin đăng lúc 27-09-2022

Khuyến công Bình Định: Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn khôi phục sản xuất trong và sau đại dịch

Sau khi dịch Covid-19 lắng xuống cũng là lúc các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) khôi phục và phát triển sản xuất, hoạt động khuyến công tỉnh Bình Định đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc này.
Khuyến công Bình Định: Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn khôi phục sản xuất trong và sau đại dịch
Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất trà nụ hoa hòe túi lọc từ nguồn kinh phí địa phương năm 2022

Từ đầu tháng 10/2021, tỉnh Bình Định ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19, các biện pháp phòng chống dịch ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong vùng dịch nguy cơ cao. Nhiều doanh nghiệp nằm trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Một số doanh nghiệp thiếu hụt lao động do lượng công nhân nằm trong địa bàn cách ly, khó khăn trong di chuyển nên công suất nhà máy sụt giảm. Việc lưu thông nguyên liệu, hàng hóa xuất khẩu gặp nhiều khó khăn… tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

 

Trong bối cảnh đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế và Kinh tế - Hạ tầng các địa phương hỗ trợ các cơ sở CNNT xây dựng các đề án khuyến công phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở, đảm bảo nguồn kinh phí khuyến công được hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất.

 

Năm 2021, toàn tỉnh đã hoàn thành được 28 chương trình đề án khuyến công với tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ 4.452 triệu đồng, trong đó có 24 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh nhưng các cơ sở CNNT vẫn quyết tâm đầu tư máy móc thiết bị và đưa vào hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, để quá trình thực hiện đề án khuyến công không bị gián đoạn, Sở Công Thương đã kịp thời điều chỉnh phương thức nghiệm thu bằng hình thức trực tuyến cho phù  hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

 

Năm 2022 khi dịch bệnh bắt đầu lắng xuống cũng là lúc các cơ sở CNNT bắt tay vào phục hồi sản xuất. Tổng kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) và khuyến công địa phương (KCĐP) được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Định phê duyệt hỗ trợ 5.220 triệu đồng/29 chương trình, đề án (tăng 17,3% so với năm 2021). Trong đó, KCQG 2.200 triệu đồng/02 đề án nhóm, KCĐP 3.020 triệu đồng/27 chương trình, đề án. Đến nay, đã nghiệm thu 06 đề án, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công năm 2022 trong tháng 10/2022.

 

Hoạt động khuyến công tỉnh Bình Định đã thực hiện tốt chức năng làm cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy CNNT phát triển, các chương trình, đề án khuyến công đã thu hút được một lượng lớn vốn đối ứng của cơ sở CNNT. Sau khi được hỗ trợ, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng được thụ hưởng hoạt động rất có hiệu quả, đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách địa phương.

 

Cụ thể, sau khi đưa máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất thì sản phẩm đã được cải tiến, chất lượng, mẫu mã được nâng cao. Nhiều sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, sản phẩm OCOP, các cơ sở CNNT nâng cao được năng lực quản lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển một cách bền vững.

 

Các cơ sở CNNT được hỗ trợ vốn khuyến công đã phát huy được vốn hỗ trợ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

 

Minh Hiếu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang