Trong những nỗ lực đáng khích lệ đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Bình Định (TTKC&TVPTCN) nổi lên như một điển hình hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông (CNNT) thôn hiệu quả nhất.
Những con số lạc quan từ vùng dịch
Ghi nhận kết quả thực hiện một số chỉ tiêu công nghiệp & thương mại tháng 7/2021, ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết: Chỉ số SXCN tháng 7/2021 tăng 7,92% so với cùng thời điểm 2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, Chỉ số SXCN tăng 7,82% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 7/2021 ước đạt 5.962,7 tỷ đồng, giảm 4,1% so với tháng trước và giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung, trong 7 tháng đầu năm 2021, ước đạt 43.809,9 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ, đạt 52,5% so với kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tháng 7/2021 ước thực hiện 92,1 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Tính chung, trong 7 tháng đầu năm 2021, KNXK ước đạt 764,7 triệu USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ và đạt 66,5% so với kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) tháng 7/2021 ước thực hiện 22,7 triệu USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung, trong 7 tháng đầu năm 2021, KNNK ước đạt 227,6 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ và đạt 54,2% so với kế hoạch năm.
Như vậy, trong khó khăn về thực hiện giãn cách tạm thời ở một số địa phương, nhưng ngành Công Thương Bình Định vẫn duy trì tạo điều kiện tốt nhất cho cơ sở, quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất và lưu thông, trong đó nổi bật nhất là công tác phối hợp đồng bộ với các ngành Lao động, Giao thông, Tài chính… hỗ trợ thiết thực cho đơn vị.
Khởi sắc nhất trong sản xuất công nghiệp nông thôn là ngày 23/8/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BCT công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Theo đó, tỉnh Bình Định có 05 sản phẩm được công nhận, tăng 02 sản phẩm so với kỳ bình chọn trước đó, gồm:
Cụm sản phẩm trang bị tàu đánh bắt xa bờ của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đường Minh, thị xã An Nhơn; Máy tuốt lúa của Hộ kinh doanh Quang Toàn, huyện Tuy Phước; Dầu dừa tinh khiết của HTX Nông nghiệp Ngọc An, thị xã Hoài Nhơn; Nước mắm Như Hoa - Tam Quan của Cơ sở nước mắm Như Hoa, thị xã Hoài Nhơn và Bánh tráng DALOP các loại của Công ty TNHH Nhân Hòa, thị xã Hoài Nhơn.
Những sản phẩm CNNT tiêu biểu này sau khi được bình chọn sẽ được TTKC&TVPTCN Bình Định đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT theo Kế hoạch số 1480/KH-BCT ngày 04/3/2020 của Bộ Công Thương và Kế hoạch số 36/KH-SCT ngày 06/8/2021 của Sở Công Thương Bình Định.
Tăng tốc để về đích sớm năm 2021
Tiếp tục triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, trong các tháng còn lại, TTKC&TVPTCN tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở CNNT triển khai thực hiện đề án khuyến công theo hợp đồng đã ký kết, cụ thể: Trong tháng 7/2021 đã đăng ký nghiệm thu đối với 04 đề án KCĐP; vận động các đơn vị đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên do Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương tổ chức định kỳ 02 năm một lần. Hiện nay, TTKC&TVPTCN đã trình Sở Công Thương thông qua dự thảo văn bản triển khai Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/2/2021 của Bộ Công Thương về đẩy mạnh hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở CNNT lập đề án khuyến công năm 2022 theo danh mục đề án đã đăng ký. Mặt khác, triển khai thực hiện Hợp đồng xây dựng đề án di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại CCN Gò Đá Trắng, thị xã An Nhơn. Phối hợp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ Kiểm toán Nhà nước kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020.
Giải pháp cho tầm nhìn 2021-2025
Để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công gắn với phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu và hình thành các “cụm sản xuất nông - CNNT” trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025 thực hiện 150 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí 22 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương cấp tỉnh, trong thời gian tới, Sở Công Thương tập trung tham mưu triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu đầy đủ, công khai các chương trình, đề án, chính sách về khuyến công, tạo sự đồng thuận cao giữa các bên có liên quan.
Hai là, lựa chọn đối tượng, ngành nghề đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với định hướng chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình áp dụng sản xuất sạch.
Ba là, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy tối đa năng lực hiện có của các cơ sở CNNT, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển CNNT. thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập quốc tế về kinh tế..., từng bước hình thành và phát triển các “cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn”. Tích cực phối hợp với các Sở ngành và địa phương, các Hiệp hội ngành nghề, Liên minh HTX, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... để phát triển hoạt động khuyến công; sự quan tâm của các Quỹ hỗ trợ, các ngân hàng với cơ chế thông thoáng để thúc đẩy, phát triển hoạt động khuyến công.
Văn Thuận