Là một trong những đơn vị nhận được sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương, Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Phụng (TP Cao Lãnh) luôn sản xuất trong không khí hăng say, nhộn nhịp bên cạnh máy móc, thiết bị hiện đại. Chị Bùi Thị Thanh Thủy – Giám đốc Công ty chia sẻ: “Lần đầu xin đăng ký bán sản phẩm tại một hội chợ thương mại, Công ty đã được các sở, ngành của tỉnh Ðồng Tháp "để mắt" đến. Cũng từ đó, Công ty liên tiếp nhận được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, từ đăng ký làm nhãn hiệu, thiết kế bao bì, logo, trang mạng, xây dựng hình ảnh công ty cho đến hỗ trợ một phần máy móc. Sau một thời gian ngắn, Công ty được đầu tư máy sấy lạnh bơm nhiệt với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh hỗ trợ gần 220 triệu đồng. Nhờ được hỗ trợ máy từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Ðồng Tháp mà giờ các sản phẩm mứt vỏ trái cây sấy như cam, quýt, bưởi, chanh… của Công ty đẹp hơn, thay vì máy sấy nhiệt đơn thuần trước đây. Cũng nhờ đó mà Công ty trở thành đối tác của những doanh nghiệp lớn".
Được biết, các sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Phụng còn được đích thân lãnh đạo tỉnh mang đi quảng bá tại các hội thảo ở ngoài tỉnh, quốc tế cũng như chọn giới thiệu trưng bày tại các quầy hàng trong những dịp hội thảo liên quan đến thương hiệu sản phẩm sạch. Nhờ đó mà Công ty có thêm nhiều đơn đặt hàng từ trong Nam ra ngoài Bắc hay các đơn hàng từ nước ngoài.
Với phương châm "Đồng hành cùng doanh nghiệp", thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực tạo lập và duy trì nhiều kênh tiếp nhận thông tin, tổ chức họp mặt doanh nghiệp, hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường… để kịp thời lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ: Một doanh nghiệp đến địa phương tìm hiểu đầu tư, không chỉ nộp thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư một dự án, mà lãnh đạo sở phải đối thoại, tìm hiểu nguyện vọng của họ ra sao, mang đến lợi ích gì cho họ, cho cộng đồng. Chính thông qua những cuộc đối thoại trực tiếp và thẳng thắn như vậy mới hiểu hết nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp đối với địa phương. Giải thích, hướng dẫn cặn kẽ, từ đó sẽ tạo nên tính tương tác cao giữa chính quyền với doanh nghiệp.
Chính quyền tỉnh Đồng Tháp khảo sát quy trình sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhờ những hoạt động thiết thực, công tác khuyến công hiệu quả, tỉnh Ðồng Tháp đã nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua việc xếp hạng Chỉ số PCI với 11 năm liên tiếp đứng trong nhóm năm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc. Trong những năm tới, tỉnh tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ nhằm đáp lại sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó đã ban hành, triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đăng ký nhãn hiệu và phát triển thương hiệu để góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ như việc tiếp cận vốn, chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đầu tư vào khoa học - công nghệ, hỗ trợ thương mại điện tử, các chính sách hỗ trợ từ chương trình khuyến công.
Để “Đồng hành cũng doanh nghiệp” không là một khẩu hiệu suông, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đang tập trung phát triển không ngừng trong quá trình chỉ đạo điều hành, là sự cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với sự phát triển của doanh nghiệp, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bích Ngọc