Với sức lan tỏa mạnh mẽ của Cuộc vận động, ngành Công Thương Hà Giang đã tích cực chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, các tổ chức và nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động; Triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... nhằm bảo vệ thị trường hàng hóa trong nước.
Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Công Thương Hà Giang đã triển khai xây dựng 3 mô hình thí điểm bán hàng Việt Nam trong chương trình “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, trong đó có 02 điểm tại thành phố Hà Giang và 01 điểm tại huyện Đồng Văn. Những điểm bán hàng Việt này đều được hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị kinh doanh và tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về điểm bán hàng Việt. Các mặt hàng được bày bán tại điểm bán hàng Việt có 70% là các sản phẩm nông sản trong tỉnh, như: chè shan tuyết, mật ong bạc hà.... và 30% là các sản phẩm nông sản của các tỉnh lân cận.
Cửa hàng bán buôn bán lẻ Hồng Hải, tổ 16, phường Trần Phú, TP.Hà Giang, là điểm bán hàng Việt đầu tiên được lựa chọn trên địa bàn Thành phố. Chủ cửa hàng Hồng Hải cho biết: “Cửa hàng đã được hỗ trợ 55 triệu đồng để đầu tư trang trí, lắp biển hệ thống cửa hàng và chính thức khai trương phục vụ khách từ tháng 11/2015 với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Từ khi gắn biển điểm bán hàng Việt, cửa hàng được chỉnh trang, sắp xếp lại giúp hàng hóa nổi bật hơn. Mặt hàng bày bán tại đây chủ yếu là các đặc sản có chất lượng tốt của Hà Giang và một số tỉnh lân cận như Cao Bằng, Vĩnh Phúc… nên được khách hàng rất tin dùng. Lượng khách mua hàng nhờ vậy ngày càng tăng, đặc biệt là khách du lịch, từ đó, sản lượng tiêu thụ cũng tăng đáng kể, đưa doanh thu bán hàng của cửa hàng tăng lên rõ rệt. Thậm chí nhiều khách hàng đến đây mua là vì cửa hàng được gắn biển hàng Việt nên họ yên tâm hơn khi mua sử dụng”.
Có thể thấy điểm bán hàng Việt ra đời khắc phục những hạn chế trước đây và bước đầu thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn sử dụng hàng Việt thay vì hàng ngoại nhập. Thông qua các điểm bán hàng Việt với những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả được niêm yết giá rõ ràng, đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm... giúp người dân được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, có uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý, từ đó hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam. Đồng thời, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng thêm cơ hội kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.
Với những hiệu quả ban đầu mà điểm bán hàng Việt mang lại cho thấy đây là hướng đi hợp lý với điều kiện thực tế của tỉnh, giúp đánh vào tâm lý người tiêu dùng và du khách để họ yên tâm, từ đó ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam. Việc tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các địa phương là việc làm rất cần thiết, vì lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp Việt Nam./.
Quỳnh Anh