Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Đề án, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Long An đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Long Sơn đầu tư máy móc trang thiết bị trong chế biến hạt điều xuất khẩu. Dựa trên 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ, Công ty đã đầu tư thêm: Bộ nồi dầu tải nhiệt và lò chao điều nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm lượng dầu chao, giúp sử dụng nguồn nhiên liệu hiệu quả; đảm bảo yêu cầu môi trường, chi phí bảo dưỡng thấp và đảm bảo an toàn trong vận hành.
Đại diện doanh nghiệp - Ông Phan Văn Sáng, Giám đốc Công ty cho biết: Trước đây, khi chưa có máy chao hạt điều, Công ty phải thuê gia công bên ngoài với chi phí gia công tương đối cao và khó chủ động trong sản xuất. Nay với lò chao điều hiện đại, công nghệ chao hạt điều dùng dầu truyền nhiệt dựa trên nguyên lý đốt gián tiếp thông qua hệ thống Caloriphe là công nghệ tiên tiến, ít gây ô nhiễm cho môi trường và đây là công nghệ đang được Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) khuyến cáo sử dụng để hạn chế tác động đến ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hiện, mỗi ngày Công ty sản xuất trên 25 tấn nguyên liệu, cùng với đó là giải quyết được việc làm cho một bộ phận không nhỏ lao động tại địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, Ông Nguyễn Văn Bôn – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Long An cho biết: Tuy nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ cho doanh nghiệp Long Sơn còn khiêm tốn nhưng đã khuyến khích được doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở cả trong và ngoài nước, tạo thêm việc làm cho người lao động, giảm ô nhiễm môi trường.
Có thể nói, chương trình khuyến công đã trở thành bạn đồng hành đáng tin cậy với các doanh nghiệp chế biến điều ở Long An, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần khai thác và phát huy tối đa thế mạnh về sản xuất hạt điều của tỉnh. Hướng tới 2016 và các năm tiếp theo, hoạt động khuyến công Long An sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên lĩnh vực ứng dụng thiết bị dây chuyền chế biến sản phẩm công nghiệp nông thôn, nhằm đổi mới nhanh chóng công nghệ, áp dụng nhiều máy móc hiện đại trong các khâu chế biến, giảm phụ thuộc vào sức lao động của con người và từng bước nâng cao giá trị sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh theo hướng ổn định và bền vững.
Tuấn Lê