Thứ Năm, 21/11/2024 23:27:07 GMT+7
Lượt xem: 4863

Tin đăng lúc 30-07-2015

Khuyến công Thái Nguyên: Góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh

Trong những năm qua, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính sách khuyến công của Nhà nước, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) Thái Nguyên đã triển khai thực hiện nhiều nội dung, hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh.
Khuyến công Thái Nguyên: Góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
Ảnh minh họa

Từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND và Sở Công Thương tỉnh, đồng thời bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, TTKC&TVPTCN Thái Nguyên đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa – xã hội ở nông thôn. Tính đến năm 2014, với 10 tỷ đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính sách khuyến công của Nhà nước, TTKC&TVPTCN Thái Nguyên đã triển khai và hoàn thành 135 đề án khuyến công. Kinh phí khuyến công chủ yếu được ưu tiên tập trung cho các hoạt động: Đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho lao động địa phương; Nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở và quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn; Ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Xây dựng, phát triển làng nghề; Xây dựng quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

 

Nhờ thường xuyên phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) nên Trung tâm đã sử dụng một cách hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công được giao và thu được những thành quả rất đáng ghi nhận, được Bộ Công Thương đánh giá là một trong những đơn vị có đủ năng lực thực hiện tốt các chương trình theo quy định của Nhà nước. Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, Trung tâm đã tổ chức thực hiện các chương trình, đề án và đạt được kết quả như sau: Hỗ trợ đào tạo nghề và cấp chứng chỉ cho 4.990 lao động tại các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh với các ngành nghề đào tạo như: May công nghiệp, chế biến chè..., góp phần giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn tại địa phương; Thực hiện 15 đề án nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở và quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ xây dựng và công nhận được 136 làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, điển hình như: Làng nghề chè, làng nghề mộc mỹ nghệ...; Hỗ trợ tổ chức các Hội chợ triển lãm và bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, đồng thời, hỗ trợ các cơ sở CNNT ứng dụng chuyển giao công nghệ, tham gia các hội chợ triển lãm trong nước với hàng nghìn gian hàng tiêu chuẩn, qua đó các đơn vị có cơ hội giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng quy hoạch chi tiết cho các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí là 1.380 triệu đồng...

 

Nhìn chung, hoạt động khuyến công thông qua các hình thức hỗ trợ, khuyến khích đã giúp các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, từ đó khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất. Nhiều đơn vị sau khi nhận được sự hỗ trợ từ các đề án khuyến công đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, từ đó năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên rõ rệt, mở rộng được thị trường và trên hết là giải quyết được việc làm cho một bộ phận không nhỏ lao động địa phương. Mặc dù công tác khuyến công trong thời gian qua đã gặt hái được những thành công đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Nhiều đề án không thực hiện được hoặc tiến độ chậm do các cơ sở không đủ vốn, không vay được vốn hoặc do dây chuyền máy móc thiết bị dự kiến mua năm trước, năm sau không còn phù hợp với yêu cầu sản xuất của cơ sở. Tại một số địa phương, công tác xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công chưa được quan tâm nên tiến độ chậm, dẫn đến hiệu quả không cao. Đặc biệt là trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công còn nhiều hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện công việc.

 

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác khuyến công, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các đề án khuyến công đã được phê duyệt, TTKC&TVPTCN Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về CNH-HĐH, các chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp,...; Tăng cường chỉ đạo của các cấp chính quyền, đoàn thể về công tác khuyến công, nhằm tìm ra các chương trình trọng điểm, đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý; Xây dựng mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp xã, phường, thị trấn, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các chương trình KC tại địa phương; Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành với các địa phương từ huyện đến xã, thôn, trong việc triển khai thực hiện các đề án khuyến công, đào tạo nghề, giải quyết việc làm..., từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh công tác hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư đổi mới, ứng dụng các tiến bộ về khoa học - kỹ thuật - công nghệ, cải tiến mẫu mã, chủng loại sản phẩm, nhằm đáp ứng thị hiếu, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, đặc biệt là tại các làng nghề truyền thống; Từng bước thực hiện xã hội hoá các hoạt động khuyến công, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tham gia vào các chương trình, đề án khuyến công. Tạo cơ chế, điều kiện để thu hút được nhiều hơn nguồn kinh phí khuyến công ngoài nguồn ngân sách tỉnh.

 

Có thể nói công tác khuyến công đóng một vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của tập thể CC,VC Trung tâm, cũng rất cần tới sự giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực từ phía các cơ quan, ban ngành, Bộ Công Thương và Lãnh đạo tỉnh trong việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về công tác khuyến công nhằm tạo động lực cho hoạt động khuyến công của cơ sở được thuận lợi. Các cấp Trung ương và địa phương cần sớm ban hành và quy định cụ thể về công tác thi đua khen thưởng để động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến công. Đồng thời, hàng năm dành một phần ngân sách bổ sung và nâng mức hỗ trợ cho một số nội dung khuyến công để hoạt động ngày một hiệu quả hơn, có sức lan tỏa hơn đến các địa bàn nông thôn, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp - công nghiệp nông thôn của Thái Nguyên trong những năm tới.

 

Phan Bá Trường

Giám đốc Trung tâm KC & TVPTCN Thái Nguyên


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang