Chủ Nhật, 24/11/2024 11:19:21 GMT+7
Lượt xem: 3336

Tin đăng lúc 22-06-2018

Khuyến công Thái Nguyên: Tích cực hỗ trợ để ngành Chè phát triển bền vững

Ai đã từng thưởng thức các đặc sản chè vùng đất Thái Nguyên chắc hẳn sẽ không thể nào quên được hương vị đậm đà của chè Phú Lương, Tân Cương, La Bằng, Núi Chúa… Thế nhưng, nhiều năm qua, phần lớn các sản phẩm chè Thái Nguyên vẫn chỉ loanh quanh tiêu thụ ở thị trường nội địa, cho dù hương vị không thua kém gì chè Long Tỉnh của Hàng Châu (Trung Quốc).
Khuyến công Thái Nguyên: Tích cực hỗ trợ để ngành Chè phát triển bền vững
Vùng nguyên liệu chè nhiều tiềm năng của Thái Nguyên

Nguyên nhân là bởi từ trước tới nay, việc trồng, chế biến và bảo quản chè của người dân đa phần vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, làm theo phương pháp thủ công, chưa ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, nên sản phẩm chè làm ra chưa có chất lượng cao, hiệu quả kinh doanh chưa được như mong muốn.

 

Hiện nay, những sản phẩm chè chất lượng cao, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, xứng tầm quốc tế của Thái Nguyên mới chỉ tập trung ở một số rất ít doanh nghiệp như Công ty CP Chè Hà Thái, Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình. Còn lại phần lớn, các cơ sở sản xuất chè nơi đây vẫn chưa thoát khỏi phương thức sản xuất thô sơ, chưa bắt kịp nhịp độ phát triển thời đại.

 

Bởi vậy, để có được sản phẩm chè đến tay người tiêu dùng là cả một quá trình lao động vất vả của người trồng. Từ khâu chăm bón đến hái, sấy rất công phu nhưng nếu không biết cách bảo quản để giữ hương vị thì sản phẩm hoàn thiện cuối cùng sẽ không đạt được chất lượng như mong muốn, giá trị của chè sẽ giảm đi rất nhiều. Trước thực tế đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm chè làm ra, đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chè tại Thái Nguyên đã tích cực đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Trong đó, điển hình là Công ty TNHH ORGAMA (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định mua mới một máy sấy bơm nhiệt để sản xuất và chế biến chè.

 

 

Áp dụng máy móc, thiết bị kỹ thuật cao trong sản xuất chè ở Thái Nguyên

 

Nhận thấy việc đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất chè của Công ty TNHH ORGAMA là việc làm hết sức cần thiết. Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên đã quyết định phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Lương thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế chiến chè” cho Công ty ORGAMA do bà Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Giám đốc. Qua đó, khuyến khích đơn vị phát triển, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời, góp phần giữ gìn và quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên.

 

Tổng nguồn vốn đầu tư, mua sắm trang thiết bị của Dự án là gần 304 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ 153 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2018. Sau một thời gian ứng dụng hệ thống máy móc mới, kết quả cho thấy, máy sấy bơm nhiệt có nhiều ưu điểm nổi trội. Cụ thể như, thời gian sấy khô sản phẩm nhanh từ 10 - 12h, bởi buồng sấy tạo độ khô rất cao. Do vậy, khi đưa chè vào sấy sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Ngoài ra, sử dụng máy sấy bơm nhiệt sẽ giữ chất lượng của sản phẩm sấy khô tốt hơn, màu sắc đẹp hơn, hương vị và chất lượng dinh dưỡng được bảo toàn. 

 

Đánh giá về tính hiệu quả của Đề án, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên cho biết: “Thông qua sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, đến nay, Công ty TNHH ORGAMA  đã hoàn thiện hệ thống máy móc sản xuất chè. Việc Công ty ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình thực hiện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời, tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm làm ra. Qua đó, nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường cũng như tạo điều kiện giảm giá thành và từng bước gia tăng các đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc trang bị máy móc mới, đơn vị đã giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương và tăng khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước. Sau khi đi vào hoạt động, nhiều cơ sở chế biến chè trong và ngoài tỉnh đã đến học tập và áp dụng công nghệ này vào sản xuất. Do vậy, Đề án được đánh giá là có tính bền vững cao”.

 

Có thể khẳng định, từ sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành và người dân địa phương, cùng sự nhiệt huyết của các cán bộ làm công tác khuyến công, hoạt động khuyến công Thái Nguyên đã ngày càng phát huy hiệu quả và là động lực thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn ổn định sản xuất, phát triển. Qua đó, góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu chè nhiều tiềm năng tại địa phương, từng bước nâng cao vị thế, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên vươn mạnh ra thị trường quốc tế.

 

Lê Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang