Thời gian qua, trước thực trạng thiếu nguồn lao động sản xuất ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến công Trà Vinh đã từng bước tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, trong đó, thực hiện sáng tạo các hình thức dạy nghề phù hợp với đặc thù của địa phương như: Đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn, đào tạo nghề cho lao động trong các làng nghề…
Trong quá trình hoạt động, công tác đào tạo đã thu hút được nhiều lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, những nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia giảng dạy trong các làng nghề… Bản thân những người lao động nông thôn cũng đã tích cực hưởng ứng vì xác định được nhu cầu học nghề của mình là cần thiết với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, sau thời gian được đào tạo nghề, kỹ năng sản xuất của lao động dần được nâng lên, năng suất chất lượng sản phẩm tăng rõ rệt,... Cùng với đó, các lớp đào tạo nghề đã tạo động lực, thu hút những lao động nông thôn tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề ngày một nhiều hơn. Đồng thời, các cơ sở dạy nghề đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công Trà Vinh tư vấn, hướng dẫn người nông dân cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bảo đảm “đầu ra”, hoạch định tiêu chuẩn tiếp nhận lao động tại các doanh nghiệp.
Với hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn ngày một hiệu quả, Khuyến công Trà Vinh đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, người lao động nông thôn cải thiện được mức thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phục vụ theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Trà Vinh.
Thời gian tới, mong rằng, bên cạnh những chiến lược phát triển năng động, sáng tạo của các cơ sở công nghiệp nông thôn, những chính sách hỗ trợ của Khuyến công Trà Vinh trong công tác đào tạo nghề, truyền nghề trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng nâng cao hiệu quả, thu hút, hình thành được đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của đất nước trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.
Long Trọng