Địa phương này sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và du lịch Kiên Giang, Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn khó khăn này, Trung tâm đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2025, định hướng thu hút đầu tư trên một số lĩnh vực mà Kiên Giang có tiềm năng, thế mạnh; đề ra một số giải pháp thực hiện. Tổng kinh phi thực hiện chương trình trên 13 tỷ đồng, từ nhiều nguồn.
Bốn lĩnh vực chính
Bốn lĩnh vực chủ yếu mà Kiên Giang tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư là: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và kinh tế biển.
Theo bà Nguyễn Duy Linh Thảo, trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung thu hút các dự án phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ hướng tới kết hợp du lịch nông nghiệp nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ nuôi trồng thủy sản; phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản (OCOP) theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch bền vững.
Khuyến khích các dự án liên kết chuỗi giá trị (sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm) gắn với vùng nguyên liệu tập trung…
Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gồm: Lĩnh vực công nghiệp chế biến, đóng gói, dịch vụ, làng nghề gắn với bảo vệ môi trường….
Về công nghiệp, Kiên Giang tăng cường thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ số, sản xuất lắp ráp và phụ trợ công nghiệp, chế tạo sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động sản xuất cho xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp năng lượng; đường giao thông liên vùng, liên tỉnh.
Trên lĩnh vực dịch vụ, tỉnh này thu hút dự án phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại; tổ hợp khu vui chơi, giải trí chất lượng cao; kêu gọi đầu tư vào các ngành dịch vụ như: du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, logictis...
Song song đó, Kiên Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động thương mại khu vực biên giới Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Cửa khẩu quốc gia Giang Thành, gắn kết với phát triển thương mại ở thành phố Phú Quốc, trung tâm đô thị tại huyện Kiên Lương và thành phố Rạch Giá; đầu tư dịch vụ vận tải, kho bãi chuyên nghiệp, các dịch vụ trọn gói phục vụ giao thông vận tải đường bộ, đường biển, đường hàng không...
Đối với kinh tế biển, lĩnh vực mà địa phương có tiềm năng và lợi thế lớn, Kiên Giang sẽ tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là nuôi biển; đánh bắt và chế biến hải sản; phát triển du lịch và dịch vụ biển; các cảng biển trọng điểm tại Rạch Giá, Phú Quốc, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải…
Thực hiện tám nội dung
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết: Căn cứ định hướng, quan điểm, mục tiêu và các lĩnh vực thế mạnh mà Kiên Giang tập trung kêu gọi đầu tư, Trung tâm đã nghiên cứu và đưa ra chương trình xúc tiến đầu tư gồm tám nội dung cụ thể và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận phê duyệt, như nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường và xu hướng đối tác đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư; hợp tác về xúc tiến đầu tư.
Cụ thể, Trung tâm tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận, tìm hiểu và hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị; chủ động phương án tạo mặt bằng sạch, hạ tầng kết nối, nguồn nhân lực... để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Thường xuyên cập nhật hệ thống văn bản pháp luật, các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Trung ương để điều chỉnh, bổ sung vào cơ chế, chính sách mời gọi đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư trên các phựơng tiện truyền thông trong và ngoài nước; tổ chức và tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư do các cơ quan, tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước tổ chức...
Kiên Giang sẽ thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo sự gắn kết, tăng cường phối hợp, liên kết các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa các địa phương với các cơ quan trung ương, giữa địa phương với các vùng, giữa địa phương với các hiệp hội; kết nối các hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch.
“Chúng tôi định kỳ tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, ít nhất 2 lần/năm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp.”
“Phối hợp các bộ, ngành trung ương tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư theo chuyên đề với các cơ quan đại diện ngoại giao trong và ngoài nước để quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh theo phương thức trực tiếp và trực tuyến.”
“Đồng thời, quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư liên vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo sự kết nối giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư”, bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết thêm.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Để hoàn thành chương trình xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung vào một số giải pháp như hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; tập trung tuyên truyền, quảng bá và nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư. Trong đó, tỉnh Kiên Giang sẽ chủ trọng đến giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
Theo đó, Kiên Giang sẽ đa dạng hóa, đa phương hóa đối tác đầu tư; chủ động theo dõi, tiếp cận thông tin xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư có thế mạnh về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị, sản xuất theo chuỗi giá trị…
Tranh thủ sự ủng hộ của bộ, ngành Trung ương, chủ động phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan thương vụ, Tổ chức, cơ quan xúc tiến đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước để quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư vào tỉnh; mở rộng hợp tác xúc tiến đầu tư với tỉnh, thành phố để huy động tối đa nguồn lực đầu tư; Liên kết giữa các địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo để thu hút kêu gọi đầu tư, đặc biệt đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Địa phương sẽ chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang hoạt động đầu tư kinh doanh thông qua các công tác đối thoại doanh nghiệp nhằm tạo sự gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp; ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; xây dựng cơ sở dữ liệu, tài liệu xúc tiến đầu tư mang tính chuyên nghiệp.
Kiên Giang tổ chức công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn kết công tác xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch; công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là công khai quỹ đất…
Theo báo Nhân dân