Là tỉnh đồng bằng ven biển, Kiên Giang có bờ biển trải dài trên 200 km, rất thuận lợi cho nghề đánh bắt thủy hải sản phát triển. Do vậy, tỉnh Kiên Giang đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các cơ sở CNNT nhằm khai thác hiệu quả mọi tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế biển.
Ông Lê Minh Trung - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 75 cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm, trong đó tập trung nhiều nhất là thành phố Phú Quốc với khoảng 56 doanh nghiệp, đạt công suất khoảng 15 triệu lít nước mắm/năm. Hàng năm, Phú Quốc cung cấp ra thị trường trên 30 triệu lít nước mắm, mang lại doanh thu hơn 600 tỉ đồng.
Từ năm 2021, Kiên Giang đã xây dựng đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ cơ sở nông thôn đầu tư phát triển chế biến nước mắm giai đoạn 2022 - 2024”, với tổng kinh phí thực hiện là 9.852 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 3.150 triệu đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng 6.702 triệu đồng. Đề án đã hỗ trợ cho các cơ sở đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng cho sản phẩm; Giảm phát thải ô nhiễm môi trường; Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Nâng cao năng lực xuất khẩu; Gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, đóng góp ngân sách cho địa phương.
Theo ông Phạm Huỳnh Quốc Thanh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước mắm Kim Hoa (phường Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: Nước mắm Phú Quốc được sản xuất theo quy trình 100% truyền thống. Đối với sản phẩm nước mắm Kim Hoa, ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào, Công ty có đội tàu trực tiếp ra biển mua cá và ủ muối ngay trên biển nên cá luôn có độ tươi. Sau đó cá được chuyển về đất liền đưa vào quy trình sản xuất.
Quy trình sản xuất nước mắm truyền thống gồm 04 công đoạn chính: Mua cá cơm xong muối ủ chượp theo tỉ lệ chuẩn 1 muối 3 cá; Sau khi ủ chượp xong thì ghe đưa cá vô thùng ủ; Sau 12 - 13 tháng ủ trở lên sẽ rút nước mắm ra; Đến công đoạn cuối cùng và đóng chai. Khi nước mắm được rút ra sau ít nhất 12 tháng ủ chượp, lúc này nước mắm màu đỏ cánh gián đậm, trong và mùi thơm nhẹ rất riêng, vị mặn, vị ngọt, đặc biệt có cả vị béo của đạm cá.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang cho biết: Hiện Trung tâm đã hỗ trợ 07 cơ sở chế biến nước mắm sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; Hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến cho 4 cơ sở chế biến nước mắm với tổng kinh phí thực hiện 1,2 tỷ đồng; Hỗ trợ 1 cơ sở xây dựng phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm với tổng kinh phí 70 triệu đồng; Tổ chức 02 lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT sản nước mắm tại thành phố Phú Quốc, với kinh phí thực hiện 180 triệu đồng cho hơn 100 học viên.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang sẽ tiếp tục xây dựng đề án “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển chế biến sản phẩm từ nông sản, thủy sản giai đoạn 2025 - 2027”, với kinh phí dự kiến cho đề án là trên 9,9 tỷ đồng. Đây được coi là “bệ đỡ” cho các cơ sở CNNT của tỉnh phát huy sáng tạo, đồng thời thúc đẩy tạo ra những sản phẩm chất lượng cao được chế biến sản phẩm từ nông sản, thủy sản chủ lực, có thế mạnh, nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh, qua đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và phuc vụ xuất khẩu.
Công Du