Thứ Sáu, 22/11/2024 10:00:05 GMT+7
Lượt xem: 2016

Tin đăng lúc 14-09-2019

Kiên Giang: Vốn khuyến công tích cực hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn

Thời gian qua, ở Kiên Giang, các đề án khuyến công đã phát huy vai trò là “vốn mồi” để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, qua đó tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.
Kiên Giang: Vốn khuyến công tích cực hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn
Được hỗ trợ ứng dụng máy điêu khắc CNC 4D, cơ sở Nguyễn Tuấn Khoanh đã tăng năng suất lên 25%

Các chương trình, đề án khuyến công của Kiên Giang đang đi đúng hướng, có sức hấp dẫn với các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất luôn là một trong những nội dung thu hút mạnh nguồn vốn hỗ trợ cũng như sự quan tâm của các cơ sở CNNT.

 

Theo đó, từ năm 2014 - 2018, trong 68 đề án khuyến công mà Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang đã triển khai thì riêng nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã chiếm tới 26 đề án.

 

Số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho thấy, trong giai đoạn 2014 – 2018, nguồn vốn khuyến công là 7,968 tỷ đồng trong khi vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là 13,546 tỷ đồng. Tính ra, 1 đồng vốn của nhà nước đã thu hút 1,7 đồng vốn đối ứng.

 

Các dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT tiếp cận được các máy móc, thiết bị tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, giảm các phát thải ra môi trường.

 

Đơn cử như trường hợp của cơ sở CNNT Nguyễn Thanh Hùng (xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp). Từ kinh phí hỗ trợ một phần, cơ sở này đã đầu tư máy tiện đa năng T2400A1+, máy biến điện trong sản xuất máy kéo lúa giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh thu của cơ sở cũng như thu nhập của người lao động từng bước ổn định hơn. Hay như cơ sở Nguyễn Tuấn Khoanh (xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận) đã được Trung tâm Khuyến công hỗ trợ hơn 207 triệu đồng để ứng dụng máy điêu khắc CNC 4D trong sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ. Dây chuyền, trang thiết bị mới đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm rõ rệt, tăng năng suất tới 25%, hạ giá thành mà vẫn đáp ứng được nhu cầu thị trường tiêu thụ. Thu nhập của người lao động theo đó cũng tăng từ 4 lên 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng công tác khuyến công, hỗ trợ các cơ sở CNNT tại Kiên Giang vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đa phần các cơ sở là hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ, sản xuất nhỏ lẻ nên nguồn lực còn nhiều hạn chế, bị động. Thiếu vốn đối ứng cũng khiến các cơ sở CNNT khó tiếp cận kinh phí hỗ trợ của chương trình. Ngoài ra, định mức vốn hỗ trợ cho các đề án vẫn còn nhỏ so với nhu cầu của các cơ sở CNNT.

 

Do đó trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, Kiên Giang đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục phát huy vai trò của các chương trình khuyến công. Trong đó, tập trung vào việc rà soát lại các cơ chế, chính sách đã ban hành để xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, chú trọng phát triển các ngành nghề, các làng nghề đang có xu hướng phát triển.

 

Ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động khuyến công, tỉnh cũng chủ động kết hợp lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có liên quan và một số các chương trình khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của các cá nhân, tổ chức của toàn xã hội đầu tư phát triển CNNT.

 

Tính đến hết tháng 6/2019, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang đã thực hiện 7 đề án khuyến công với tổng kinh phí là 1,375 tỷ đồng.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang