Thứ Bẩy, 23/11/2024 02:32:35 GMT+7
Lượt xem: 315

Tin đăng lúc 01-01-2024

Kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2023 cao kỷ lục, ước đạt 4,18 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,61 triệu tấn. Kim ngạch tăng 3,1%, lên mức cao kỷ lục mới là 4,18 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2023 cao kỷ lục, ước đạt 4,18 tỷ USD
Xuất khẩu cà phê năm 2023 được lợi về giá

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 12/2023 tiếp tục tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua, đạt 190.000 tấn, tăng 59,3% so với tháng 11/2023, nhưng vẫn giảm nhẹ 3,5% so với cùng kỳ trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 538 triệu USD, tăng 51% so với tháng 11/2023 và tăng 26,4% so với cùng kỳ trước.

 

Tính chung trong cả năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,61 triệu tấn, giảm 9,6% so với năm 2022. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu tăng mạnh, nên kim ngạch vẫn tăng 3,1%, lên mức cao kỷ lục mới là 4,18 tỷ USD.

 

Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2023 đạt 2.834 USD/tấn, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 31,1% so với cùng kỳ trước. Lũy kế năm 2023, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.604 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022.

 

Trên thị trường hàng hoá phái sinh, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 26 - 31/12, giá Arabica giảm 2,33% trong khi giá Robusta nhích nhẹ 0,14% so với tham chiếu. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở Hàng hoá liên lục địa (ICE-US) tiếp tục hồi phục, thời tiết tại Brazil cải thiện khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường phần nào dịu lại. Dù vậy, tin đồn Việt Nam hạn chế xuất khẩu thông qua ước tính lượng hàng xuất đi trong năm 2023 giúp giá Robusta khởi sắc.

 

Tồn kho Arabica đạt chuẩn trong tuần qua tăng 3.312 bao loại 60kg, lên 251.224 bao. Dù mức tăng không nhiều ấn tượng nhưng đây lại là tín hiệu tốt về dữ liệu tồn kho nói riêng và nguồn cung cà phê nói chung.

 

Bên cạnh đó, lo ngại rủi ro nắng nóng tại Brazil đã được đẩy lùi khi nhiệt độ dịu lại nhờ vào lượng mưa trên mức trung bình ở vùng trồng cà phê chính của Brazil. Điều này giúp cây cà phê có điều kiện phát triển tốt hơn, từ đó duy trì triển vọng tích cực về nguồn cung cà phê niên vụ 2024/24 của nước này.

 

Dự báo về tiềm năng kinh tế do cây cà phê mang lại, nhiều địa phương đặt kế hoạch trồng cà phê, trong đó, tỉnh Đắk Nông cũng đang tập trung xây dựng vùng cà phê đặc sản theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI). Đắk Nông cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích cà phê đặc sản tỉnh đạt 1.000 hecta, với sản lượng cà phê nhân chọn lọc khoảng 530 tấn.

 

Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đạt 17 nghìn hecta, năng suất bình quân đạt từ 2-2,5 tấn cà phê nhân/ha; diện tích trồng tái canh cà phê đến năm 2025 khoảng 8 nghìn hecta; khoảng 70-90% diện tích cà phê cho thu hoạch sản phẩm được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận.

 

Hiện tại, Sơn La là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam sau Lâm Đồng. Năm 2023, diện tích cà phê Arabica của Sơn La đạt 20 nghìn hecta, trong đó diện tích được cấp chứng chỉ bền vững có trên 18 nghìn hecta (đạt 90% diện thích trồng cà phê). Sản lượng cà phê hàng năm ước 40.000-50.000 tấn nhân, trị giá 4.500-5.000 tỉ đồng.

 

Theo Sở Công Thương Gia Lai, năm 2023, diện tích cà phê cho thu hoạch tại tỉnh Gia Lai đạt 87 nghìn hecta, tập trung tại các huyện Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang, Chư Sê và Chư Pưh.

 

Khối lượng xuất khẩu cà phê tỉnh Gia Lai năm 2023 ước đạt 240 nghìn tấn, trị giá 490 triệu USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của toàn tỉnh, tăng 1,27% về lượng, tăng 4,26% về giá trị so với năm 2022.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang