Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, đặc biệt là tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đã, đang và sẽ được hưởng ưu đãi, miễn thuế khi xuất khẩu sang các thị trường FTA. Nắm bắt được điều đó, các đối tượng bất chính đã lợi dụng để trốn thuế các mặt hàng xuất khẩu bằng cách gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp cũng như lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trước thực trạng đó, tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, đại diện các Bộ, ban, ngành chức năng cũng như nhiều tổ chức quốc tế liên quan đã đưa ra các biện pháp xử lý cùng kinh nghiệm quý báu giải quyết vấn đề trên. Trong đó, một kinh nghiệm đáng lưu ý là, nếu nước nhập khẩu yêu cầu kiểm tra Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì về cơ bản vấn đề gian lận xuất xứ sẽ được xử lý triệt để. Bởi các cơ quan quản lý của Việt Nam có thể chủ động kiểm tra, giám sát, siết chặt công tác chứng nhận xuất xứ. Cho tới nay, tất cả các lô hàng được cấp C/O Việt Nam đều đáp ứng các điều kiện để được cấp C/O, thậm chí đáp ứng được cả quy định của nước nhập khẩu. Chính vì vậy, các vụ việc gần đây như đối với thép, nhôm, cơ quan hải quan Hoa Kỳ không đặt vấn đề điều tra gian lận hay giả mạo xuất xứ mà tiếp cận theo một hướng khác, cụ thể là chống lẩn tránh.
Hội thảo thu hút và giành được sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự
Theo các chuyên gia cũng như đại diện các cơ quan chức năng tại Hội thảo cho biết, lẩn tránh là hiện tượng tương đối mới đối với Việt Nam và cả trong thực tiễn thương mại quốc tế, nhưng khác với gian lận xuất xứ, gian lận thương mại. Cụ thể, các nước sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) với hàng hóa của một nước thứ 3 (như Trung Quốc) thì có thể điều tra chống lẩn tránh với hàng hóa tương tự của Việt Nam nếu xuất khẩu mặt hàng đó từ Việt Nam tăng nhanh, mặc dù không có gian lận xuất xứ hoặc gian lận thương mại. Ngoài ra, biện pháp chống lẩn tránh chỉ áp dụng với các hàng hóa sử dụng nguyên liệu, đầu vào nhập khẩu từ nước thứ 3. Do đó, các doanh nghiệp của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ các nguồn khác để sản xuất hàng xuất khẩu vẫn có thể xuất khẩu bình thường.
Cho tới nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra 20 vụ việc lẩn tránh biện pháp PVTM từ 4 nước thành viên gồm Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Brasil. Theo thống kê, có 15 nhóm mặt hàng đã bị khởi kiện lẩn tránh. Trong đó, thép là sản phẩm bị kiện nhiều nhất với 6 vụ việc. Bởi thế, biện pháp chống lẩn tránh thường được áp dụng dưới dạng áp thuế nhập khẩu bổ sung. Trong 20 vụ việc nói trên, có 7 vụ việc do Hoa Kỳ điều tra; 6 vụ việc do EU và Thổ Nhĩ Kỳ cùng điều tra. Như vậy, có thể thấy, các vụ việc lẩn tránh thường xảy ra ở thành viên áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, số vụ điều tra “chổng lẩn tránh” sẽ ngày càng tăng lên, nhất là đối với mặt hàng nhôm và sắt thép do tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu. Đây là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu ý, tỉnh táo và cần thường xuyên theo dõi cảnh báo của Bộ Công Thương. Đặc biệt, các nhà sản xuất cần tránh nhập nguyên liệu từ các nước, vùng lãnh thổ đang bị đánh thuế cao để sản xuất hàng xuất khẩu.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bên liên quan sẽ được hỗ trợ và tăng cường xây dựng các giải pháp hiệu quả để chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hà Đăng