Thứ Bẩy, 23/11/2024 17:00:55 GMT+7
Lượt xem: 3810

Tin đăng lúc 07-11-2015

Kinh nghiệm khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa của Thái Lan

Chính phủ Thái Lan ưu tiên xây dựng những chương trình khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm nội địa. Bên cạnh mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người người dân, các chương trình khuyến khích còn thúc đẩy sự phát triển chung của doanh nghiệp trong nước và hạn chế xu hướng tiêu dùng hàng nhập ngoại.
Kinh nghiệm khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa của Thái Lan

Thứ nhất, trong phạm vi Chính phủ, nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đã được Chính phủ Thái Lan thực hiện trong những năm vừa qua. Chương trình One Tambon One Product (OTOP - tạm dịch: Mỗi làng một sản phẩm) và chương trình tư vấn đóng gói bao bì sản phẩm tại mỗi địa phương (packaging programme) là hai ví dụ điển hình thể hiện quyết tâm của Chính phủ Thái Lan trong việc thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm nội địa.

 

One Tambon One Product

 

Mục tiêu của chương trình OTOP là tận dụng lợi thế về sự phong phú của sản vật địa phương nhằm quảng bá, duy trì danh tiếng đặc sản từng vùng miền. Được khởi xướng bởi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong thời kỳ đương nhiệm 2001-2006, ý tưởng xây dựng OTOP dựa trên chương trình One Village One Product (OVOP) được triển khai rất thành công tại Nhật Bản.

 

Điểm yếu của các doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất tại địa phương là công nghệ sản xuất chưa bắt kịp với xu hướng hiện đại. Thêm vào đó, sự thiếu hụt về trình độ phát triển thị trường và kênh phân phối sản phẩm cũng làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Học hỏi mô hình chương trình OVOP, OTOP mong muốn thúc đẩy tiêu dùng đặc sản địa phương tại thị trường trong nước.

 

Về mô hình hoạt động, cơ quan đầu mối được ủy quyền sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở sản xuất ở mỗi địa phương. Phạm vi hỗ trợ bao gồm tài chính, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng, tư vấn quảng bá, tiếp thị và phân phối sản phẩm. Nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ trích từ kinh phí hoạt động chương trình OTOP của Chính phủ Thái Lan.

 

Nhóm chuyên gia của OTOP cũng sẽ trực tiếp tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở sản xuất tại từng địa phương nhằm mục đích cải tiến chất lượng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Mạng lưới phân phối của OTOP phủ khắp nhiều tỉnh thành trong nước bao gồm hệ thống siêu thị, cửa hiệu giới thiệu sản phẩm. Doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất nhận lại toàn bộ doanh thu bán hàng sau khi hàng hóa được bán tại hệ thống cửa hiệu OTOP.

 

Tư vấn đóng gói bao bì sản phẩm

 

Khởi động từ tháng 10/2015, chương trình tư vấn đóng gói bao bì sản phẩm (packaging programme) là một trong những sáng kiến mới của Chính phủ Thái Lan nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời hạn thực hiện chương trình kéo dài từ 10/2015 đến hết tháng 9/2016 và được triển khai tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước.\

 

Ý tưởng xây dựng chương trình xuất phát từ thực tiễn thiếu hụt kinh nghiệm đóng gói ảnh hưởng gián tiếp đến việc bảo đảm chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển. Nhiều sản phẩm đạt chất lượng tốt những do không được bảo quản tốt nên đã ít nhiều giảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Đây là lý do làm giảm tính cạnh tranh của hàng sản xuất nội địa so với hàng ngoại nhập.

 

Nguồn kinh phí duy trì hoạt động của chương trình được trích từ ngân sách của Chính phủ Thái Lan. Doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất tại địa phương sẽ được nhóm chuyên gia của chương trình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vốn mua sắm trang thiết bị đóng gói nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Mô hình cửa hiệu tạp hóa gia đình (mom-and-pop)

 

Mô hình cửa hiệu tạp hóa gia đình (mom-and-pop) hướng tới nhóm đối tượng thu nhập thấp ở nhiều vùng miền gặp khó khăn về địa hình và cơ sở vật chất. Chính phủ Thái coi đây là kênh phân phối quan trọng thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm nội địa và đã triển khai chương trình hỗ trợ vốn nâng cấp cửa hiệu tạp hóa gia đình tại nhiều tỉnh thành khác nhau. Hàng hóa phân phối tại cửa hiệu tạp hóa gia đình sẽ có giá cả cạnh tranh hơn phù hợp với mức sống của người dân địa phương.

 

Gói kích cầu tiêu dùng 1 tỉ Đô-la Mỹ

 

Gói kích cầu tiêu dùng trị giá 1 tỉ Đô-la Mỹ được Thủ tướng Prayut Chan-o-chan thông qua nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan cần động lực thúc đẩy phát triển. Mỗi bản làng được cấp số tiền trị giá 138,000 Đô-la Mỹ để triển khai nhiều dự án của chính phủ nhằm kích cầu tiêu dùng tại địa phương.

 

Thứ hai, trong phạm vi khối doanh nghiệp, nhiều chương trình nâng cao nhận thức người tiêu dùng và hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp cũng đã được triển khai. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central đơn vị tiêu biểu. Thế mạnh của họ là cơ sở vật chất sẵn có, kinh nghiệm lâu năm phân phối hàng tiêu dùng và mạng lưới cửa hàng phủ khắp mọi tỉnh thành. Đây là điều kiện hoàn hảo để quảng bá, xúc tiến tiêu dùng các sản phẩm trong nước.

 

Với mô hình B-2-B hướng đến doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất hàng trong nước, tập đoàn Central đang triển khai 3 chương trình ba gồm (i) cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện; (ii) triển khai dự án hàng tiêu dùng (commodity products) và (iii) tham gia sự kiện kết nối doanh nghiệp (business matching). Các chương trình hoạt động được tập đoàn Central phối hợp cùng Bộ Thương mại, Cục Thương mại trong nước của Thái Lan tổ chức. Doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất được hỗ trợ cho thuê địa điểm để quảng bá sản phẩm của mình tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn như Central World, Central Chidlom, Central Bangna hay Central Plaza Grand Rama 9. Đây đều là những trung tâm thương mại trên có lưu lượng khách tham quan lớn với sức mua hàng ổn định.

 

Chương trình kết nối doanh nghiệp là hoạt động định kỳ 2-3 lần/năm do Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức. Đây là dịp để các doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất gặp gỡ, giao lưu và tìm kiếm đối tác. Tập đoàn Central thường xuyên tham dự sự kiện này và đề xuất nhiều chương trình hỗ trợ ưu tiên cho cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

 

Bên cạnh đó, tập đoàn Central còn triển khai dự án hàng tiêu dùng (commodity products) tập trung quảng bá nhóm mặt hàng truyền thống và thực phẩm hữu cơ (organic food). Các chuyên gia của tập đoàn Central trực tiếp tư vấn kỹ thuật, kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Sau khi hoàn tất sản xuất, người nông dân có hai lựa chọn bán sản phẩm lại cho Central hoặc tự tìm kiếm các đầu mối phân phối khác. Ưu điểm của dự án hàng tiêu dùng của tập đoàn Central so với chương trình OTOP của Chính phủ Thái Lan nằm ở khả năng thanh toán linh hoạt, không phải đợi đến khi hàng bán hết.

 

Với mô hình B-2-C hướng đến người tiêu dùng, tập đoàn Central triển khai chính sách giảm giá sản phẩm tại nhiều thời điểm trong năm ví dụ như chương trình Back to School vào tháng 8 trước mùa tựu trường hay tuần lễ giới thiệu ẩm thực miền của Thái Lan tại hệ thống quẩy thực phẩm Food Court trong các trung tâm thương mại của tập đoàn. Khách tham quan được mua sản phẩm hoặc thưởng thức các món ăn mang hương vị đặc trưng từng vùng miền với mức giá ưu đãi.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang