Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư tăng lên, môi trường đầu tư được cải thiện. Nguồn sinh lực mới, với khí thế mới, quyết tâm mới ngay từ đầu năm sẽ đưa kinh tế Thủ đô vươn lên bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2018.
Tăng trưởng đạt khá
Hòa cùng không khí hăng hái lao động, sản xuất của cả nước, sau Tết, các đơn vị, DN tại Hà Nội đã bắt tay ngay vào công việc. Các DN trong khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã trở lại làm việc bình thường. TP đề nghị các đơn vị, sở, ban, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, bắt tay ngay vào công việc phục vụ Nhân dân và DN, không đi lễ hội vào ngày làm việc...
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, lũy kế 2 tháng đầu năm 2018 các lĩnh vực đạt được đều tăng cao hơn so với mức tăng của 2 tháng đầu năm 2017. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) công nghiệp tăng 9,9% cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chỉ số tồn kho sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 8,3% so với cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ hàng hóa 2 tháng đạt 432.174 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ, trong đó bán lẻ đạt 103.359 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,09 tỷ USD, tăng 25,1%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa và vận tải hành khách tăng, với tổng doanh thu đạt gần 7.500 tỷ đồng. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 759.000 lượt khách, tăng 32,7% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách Nhà nước đạt 35.875 tỷ đồng, tăng 16,9%, đạt 16,4% dự toán năm 2018. Hoạt động tín dụng tăng đều với tổng dư nợ đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và 1,2% so với tháng 12/2017. Vốn đầu tư thực hiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước thực hiện được 3.494 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ, đạt 9,2% kế hoạch năm.
Trong tháng 3/2018, TP Hà Nội sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ sau Tết. Đôn đốc người lao động bắt tay ngay vào làm việc sau đợt nghỉ Tết để bảo đảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tổ chức, quản lý tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội; tổ chức thanh, kiểm tra các loại hình dịch vụ, sắp xếp hàng quán, dịch vụ trông giữ xe, bảo đảm an toàn giao thông... Các cấp, ngành cũng phát động các phong trào thi đua, tạo khí thế phấn đấu sôi nổi trong toàn TP, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Mục tiêu hướng tới của Hà Nội là phát triển thành một siêu đô thị thông minh với cơ sở hạ tầng, quản lý thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới; con người văn hóa, văn minh; đạt được các tiêu chí TP vì hòa bình; năng động và hội nhập. Xác định nguồn lực đầu tư xã hội chính là động lực để xây dựng, phát triển, Hà Nội đã nỗ lực đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là về thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành đô thị.
Trong năm 2018, Hà Nội tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Trên cơ sở rà soát tất cả các TTHC của các sở, ban, ngành, sau một năm, Hà Nội đã cắt giảm, phối hợp liên thông các TTHC. Cụ thể, thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm từ 40 - 60%; lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30 - 50%... Đến nay, Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu 100% DN đăng ký thành lập qua mạng, là địa phương có mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, thu hút đầu tư đạt kết quả cao.
Không chỉ dừng lại ở quản lý hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn giải quyết các vấn đề thiết thực trong mọi mặt đời sống như quản lý giao thông, đô thị, y tế, du lịch, cung cấp thông tin về chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng... nâng cao chất lượng sống cho người dân, để Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn.
Nguồn Kinhtedothi