Theo báo cáo, điểm nổi bật trong năm 2015 của kinh tế Việt Nam là thành tựu kép: Kiểm soát được lạm phát (0,63%), trong khi vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, qua đó đã tạo được tâm thế mới, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh và bền vững sau này.
Báo cáo của NFSC nhận định, hạ tầng tài chính Việt Nam hiện đã được củng cố tích cực với việc sắp xếp, sáp nhập, giải thể các tổ chức tài chính. Tính riêng năm 2015 đã giảm 11 tổ chức tài chính, nâng cao tính minh bạch, tăng cường quản trị rủi ro, tích cực xử lý tồn đọng, qua đó phát huy tốt hơn vai trò phân bổ nguồn lực tài chính. Năm 2015, có gần 800 nghìn tỷ đồng, (chưa tính trái phiếu Chính phủ) tương đương gần 19% GDP đã cung ứng cho nền kinh tế thông qua kênh tín dụng ngân hàng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường vốn.
Nền kinh tế Việt Nam được nhận định là chưa có được động lực tăng trưởng bền vững, chủ yếu vẫn dựa vào khu vực có vốn FDI, nợ công tiếp tục tăng nhanh, bội chi ngân sách lớn đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể được cải thiện nhờ hiệu ứng từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký và triển khai thực hiện, ổn định kinh tế vĩ mô có điều kiện để tiếp tục duy trì, hệ thống tổ chức tín dụng có nhiều triển vọng ở cả góc độ tăng trưởng tín dụng cũng như huy động vốn, kiểm soát nợ xấu ở mức thấp (dưới 3%). NFSC dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt khoảng 6,7 - 6,8%, CPI khoảng từ 3-3,5%.
NFSC cũng lưu ý là các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh cải cách thị trường tài chính để phù hợp với tốc độ và mức độ hội nhập quốc tế.
NFSC đã chính thức công bố việc áp dụng các chỉ số dẫn báo kinh tế và là cơ quan đầu tiên ở Việt Nam áp dụng chỉ số này để dự báo kinh tế vĩ mô (tăng trưởng và lạm phát). Đây là chỉ số được NFSC xây dựng dựa trên mô hình của OECD có sự vi chỉnh hợp với điều kiện Việt Nam.
|
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử