Trải qua 4 kỳ bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất, hàng nghìn công việc bảo dưỡng khác trên công trường đã giúp Kỹ sư điện Trần Quang Thường trưởng thành, thạo nghề, trở thành kỹ sư tiên phong trong phong trào sáng kiến, sáng tạo tại Phòng Hệ thống Điện, Ban Bảo dưỡng Sửa chữa BSR.
Gặp anh trên khu vực bể chứa trung gian của NMLD Dung Quất, trong bộ quần áo cũ sờn thấm đẫm mồ hôi của những ngày tháng 5 oi ả, Kỹ sư Trần Quang Thường tươi cười, giản dị và đang miệt mài thao tác nốt công việc sửa chữa hệ thống điện cho một bồn bể. Công việc của anh hàng ngày là duy trì các thiết bị điện khu vực Offsite luôn ở tình trạng tốt, đảm bảo yêu cầu công nghệ. Anh cũng là kỹ sư chuyên bắt bệnh, tìm nguyên nhân gây hư hỏng và sửa chữa thành công hàng loạt máy cắt chân không, tiết kiệm cho Công ty hàng trăm triệu đồng chi phí mua mới. Anh cũng cùng đồng nghiệp tìm hiểu tài liệu để chế tạo một số mô hình kiểm tra hư hỏng, bộ kit cài đặt mới cho một số thiết bị như relay REF542+, MCU.
Có thể kể đến sáng kiến “Chế tạo bộ cấp nguồn 110VDC, 25A phục vụ công tác bảo dưỡng sửa chữa thiết bị” là điểm sáng của Trần Quang Thường trong lĩnh vực nghiên cứu, phát huy sáng kiến, sáng chế trong công việc. Trần Quang Thường phân tích rất cụ thể về các nguyên nhân, từ đó tìm ra giải pháp này: Theo thiết kế, cấp điện áp điều khiển của hệ thống tủ 22 kV, 6,6 kV, 0,4kV là 110 VDC. Do vậy, tất cả các thiết bị điều khiển, bảo vệ, đóng cắt đều có cấp điện áp sử dụng 110 VDC. Trong quá khứ, công việc kiểm tra, thí nghiệm, điều tra, xử lý sự cố các thiết bị có cấp điện áp 110 VDC tại xưởng hoặc tại trạm điện, người kỹ sư luôn gặp nhiều khó khăn do không có thiết bị cấp nguồn chuyên dụng 110 VDC.
Trên cơ sở nhu cầu cho các công việc bảo dưỡng thường xuyên và các công việc sửa chữa phát sinh trong đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4 (TA4), nhóm tác giả đã nghiên cứu và chế tạo thành công bộ cấp nguồn 110 VDC đáp ứng các tiêu chí: Công suất lớn, đảm bảo thí nghiệm cho các máy cắt và contactor; Dễ sử dụng, tạo điều kiện nhanh chóng thực hiện các công việc; Trọng lượng gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển để linh động thực hiện các công việc trong và ngoài xưởng; Chất lượng điện áp đảm bảo, phù hợp với yêu cầu cấp nguồn của thiết bị.
Kỹ sư Trần Quang Thường tiết lộ thêm: Bộ nguồn 110 VDC/25A là kiểu nguồn xung được chế tạo dựa trên nguyên lý ghép nối từ 04 bộ nguồn sẵn có PSP-600-24 với điện áp đầu ra 24 VDC/25A (max 27.5 VDC) và các hiệu chỉnh, bổ sung cần thiết để đảm bảo bộ nguồn ghép hoạt động ổn định và phù hợp với thực tế yêu cầu của công việc.
Phần lớn các vật tư chế tạo được tận dụng lại từ các thiết bị thải ra trong quá trình bảo dưỡng sửa chữa. Trong đó, vật tư chính bộ nguồn 24 VDC/25A được tận dụng lại sau khi bị thải ra trong công việc thay thế định kỳ thiết bị (PCR) trong tủ 400V.
Anh Thường đánh giá về tính mới của giải pháp: Đây là bộ nguồn 110 VDC/25A đầu tiên được chế tạo tại BSR. Sáng kiến này không trùng lập về ý tưởng và cách thức thực hiện đối với các thiệt bị tương tự trên thị trường. Bên cạnh đó, cách thức ghép nối ổn định 04 bộ nguồn 24 VDC/25A không được đề cập trong tài liệu của các Nhà sản xuất điện, hệ thống điện khác.
Từ giữa năm 2020, sau khi bộ nguồn được chế tạo với chất lượng đảm bảo và được sử dụng trong nhiều mục đích nhằm cấp nguồn cho các thiết bị 110 VDC. Với bộ nguồn mới này, NMLD Dung Quất đã tiết kiệm chi phí mua mới thiết bị ước tính 200 triệu đồng. Về công tác vận hành thiết bị, sẽ giúp nhanh chóng cho công việc kiểm tra thí nghiệm, xử lý các sự cố liên quan Relay, Máy cắt trong TA4, gián tiếp giúp rút ngắn thời gian thực hiện các công việc. Từ đó, người kỹ sư sẽ chủ động trong công nghệ, dễ dàng sửa chữa và áp dụng để xây dựng các bộ nguồn 110VDC có công suất tương đương hoặc lớn hơn.
Kỹ sư Trần Quang Thường còn có một Giải pháp “Tạo điểm giới hạn hành trình chuyển động nhằm giảm thiểu hư hỏng trên các tay xoay loại XT2/4” cũng tạo ra nhiều giá trị kỹ thuật và kinh tế cho Nhà máy.
Kỹ sư Trần Quang Thường trao đổi công việc với đồng nghiệp
Theo phân tích của anh Thường, các bánh răng được làm bằng vật liệu nhựa vừa làm nhiệm vụ truyền động vừa chịu lực xoay chính. Khi tay xoay bị vượt quá hành trình sẽ làm gãy bánh răng. Giải pháp là dán thêm miếng nhựa (kích thước 3x6x2mm) ở điểm cuối hành trình chuyển động của tay xoay để tạo giới hạn hành trình. Lúc đó, nếu tay xoay có xu hướng vượt quá hành trình chuyển động thì miếng nhựa này sẽ chịu lực chính và ngăn không cho tay xoay vượt quá hành trình. Do đó, bánh răng sẽ không bị gãy. Điều đặc biệt là, miếng nhựa có thể tận dụng vật tư thải ra từ quá trình bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị nên không tốn kinh phí. Nếu phải mua tay xoay mới thay thế cho khoảng 100 MCC, ước tính số tiền chi phí khoảng 250 triệu đồng/năm.
Khi nói về những sáng kiến, giải pháp này, kỹ sư Trần Quang Thường khiêm tốn: “Đó vừa là sự đam mê nhưng cũng là trách nhiệm của người kỹ sư hệ thống điện. Bất cứ vấn đề kỹ thuật nào của hệ thống điện trong Nhà máy đều được anh em kỹ sư và cá nhân tôi quan sát kỹ, tìm tòi giải pháp để khắc phục, cải tiến, cùng làm cho máy móc, thiết bị điện trong Nhà máy luôn ở tình trạng vận hành tốt nhất. Chúng tôi hạnh phúc khi được cống hiến cho Công ty”.
Ông Ngô Hữu Chiến - Phó Trưởng ban BDSC BSR nhận định: Hệ thống điện trong NMLD Dung Quất rất phức tạp; công việc bảo dưỡng sửa chữa đòi hỏi người kỹ sư phải có chuyên môn cao, lành nghề và đam mê công việc. Đội ngũ công nhân, kỹ sư của hệ thống điện những năm qua đã phát huy nhiều sáng kiến, sáng chế giúp cho hệ thống điện trong Nhà máy hoạt động an toàn, ổn định. Những sáng kiến của kỹ sư Trần Quang Thường luôn được lãnh đạo Ban khuyến khích áp dụng. Ban BDSC luôn biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân xuất sắc như kỹ sư Trần Quang Thường để anh em kỹ sư, công nhân hệ thống điện luôn phát huy tốt nhất tinh thần vượt khó vươn lên, tìm tòi sáng tạo trong công việc hàng ngày. Những nỗ lực trong lao động và phát huy sáng kiến của kỹ sư Thường sẽ là động lực cho các anh em công nhân, kỹ sư trẻ khác học hỏi, noi theo.
Với những thành tích đặc biệt trên, kỹ sư Trần Quang Thường đã được BSR vinh danh là Người lao động tiêu biểu năm 2022.
Đ.C