Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau 14 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 9 năm tổ chức Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” đã hình thành nên một phong trào mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước.
Nhiều người Việt ưu tiên dùng hàng Việt
Theo thống kê mới đây của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sức mua của người tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc nội địa ngày càng tăng cao. Có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt...
Nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ rõ sau đại dịch COVID-19, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.
Trong một cuộc thăm dò dư luận xã hội, Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã thu về kết quả có tới 94% người được hỏi đã thay đổi nhận thức, hành vi ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, trong đó, tỉ lệ người đánh giá “hiệu quả cao” đạt tới 43%.
Có rất nhiều lý do khiến người tiêu dùng Việt ngày càng dành sự ưu ái cho các sản phẩm nội địa. Trong đó, nổi bật là yếu tố chất lượng, các sản phẩm được sản xuất trong nước có chất lượng ngày càng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn, mẫu mã đa dạng đã đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, không thua kém gì các mặt hàng nước ngoài.
Chị Phương Hoa (23 tuổi, Hoài Đức) cho biết, chị thường lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam vì có chất lượng tốt, đảm bảo, mẫu mã ngày càng đa dạng. Hiện bản thân chị và gia đình đang tin dùng hàng hóa từ rất nhiều thương hiệu có nguồn gốc Việt Nam như Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, gạo Lộc trời, giày dép Bitis,...
Chị Lương Hiền (26 tuổi, Thanh Xuân) cho biết, hàng Việt là ưu tiên của chị khi đi mua sắm, kể cả trong siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa, bán lẻ. “Các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày càng có chất lượng, mẫu mã cũng đẹp không thua kém so với các mặt hàng nước ngoài mà giá thành lại rẻ hơn. Lựa chọn ưu tiên hàng Việt trong thời điểm kinh tế khó khăn này cũng giúp tôi tiết kiệm chi phí”, chị Hiền nói.
Ông Hải đánh giá: "Tâm lý mua sắm, tiêu dùng hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực. Người tiêu dùng đã nhìn nhận đúng hơn khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước sắp xếp, đổi mới, phát triển và cạnh tranh lành mạnh”.
Trên thị trường nội địa, hàng Việt đang chiếm lĩnh hầu như tất cả các kênh phân phối, với tỷ lệ từ 80% đến trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống.
Đẩy mạnh cung ứng hàng Việt dịp Tết 2024
Xu hướng ưu tiên các sản phẩm nội địa của người Việt Nam, kết hợp cùng việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, dự báo năm nay hàng Việt sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thị trường hàng hóa Tết cho người tiêu dùng.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương đã và đang tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt trong dịp này.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, qua đó chú trọng trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Để làm sao hàng hóa đến được với người sử dụng một cách thuận tiện nhất, giá ưu đãi nhất, chất lượng tốt nhất”, bà Phương nhận định.
Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12 năm 2023, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ đã tung ra các sản phẩm, hàng hoá, giỏ quà Tết hàng Việt với nhiều mẫu mã bắt mắt, mức giá đa dạng, khởi động mùa mua sắm Tết sớm hơn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Nhân sự truyền thông và đối ngoại AEON Việt Nam cho biết, AEON chuẩn bị hàng Tết từ giữa năm 2023 với cơ cấu sản phẩm, số lượng hàng Việt Nam trên quầy kệ chiếm 90%, trong đó hàng nông sản chiếm hơn 95%.
Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho biết, đơn vị này đã đưa lên kệ các giỏ quà Tết để phục vụ người tiêu dùng, với các sản phẩm chủ yếu là hàng Việt Nam như cà phê, hạt điều, bánh, kẹo, mứt, rượu… “Giỏ quà Tết Đoàn Viên bao gồm các sản phẩm đậu phộng phô mai Tân Tân; Café Wake-up nâu đá; Kẹo Sugus; Trà vị chanh Nestea; Bánh Hữu Nghị, trái cây sấy Vinamit, rượu vang Đà Lạt…”- bà Dung nêu ví dụ.
Dự báo về khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu, dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 40.900 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023.
Theo VNbusiness