Làng nghề mộc truyền thống Thiết Úng, xã Thư Lâm đã có lịch sử gần 400 năm. Nghề mộc không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Để duy trì được sức sống làng nghề phải kể đến sự đóng góp, tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi. Cùng với thời gian, nhờ bàn tay, khối óc của các nghệ nhân, thợ giỏi mà nghề mộc Thiết Úng không những không bị mai một, còn phát triển lên một tầm cao mới.
Trong số các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề mộc truyền thống Thiết Úng, nghệ nhân Đỗ Văn Cường là người không chỉ có đôi bàn tay tài hoa mà còn có trí sáng tạo, luôn nỗ lực tìm hướng đi riêng, sáng tác những sản phẩm độc đáo để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống.
Nghệ nhân Đỗ Văn Cường chia sẻ: Nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ là công việc đòi hỏi người nghệ nhân, nhà điêu khắc phải có sự sáng tạo và bàn tay khéo léo để tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo. Ngày nay, trước nhiều xu hướng mới, mẫu mã và phương pháp làm điêu khắc cũng đổi thay nhưng nếu chạy theo thị trường sẽ vô tình đánh mất đi bản sắc riêng của làng nghề. Theo những nghệ nhân ở Thiết Úng, giá trị của đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống không chỉ nằm ở chất liệu mà quan trọng hơn cả là công sức và tâm huyết của người làm ra nó.
Thông qua bàn tay lành nghề của nghệ nhân Đỗ Văn Cường, sen đã trở thành những tác phẩm có hồn và sống động. Từng chi tiết đều được người thợ đục đẽo, chạm trổ, khắc họa tỉ mỉ để mang đến những sản phẩm có tính độc bản. Loại gỗ được ưu tiên lựa chọn để làm sen là gỗ lũa hoặc gỗ khối bền đẹp, nghệ nhân sẽ tính toán làm sao cho thành phẩm có giá trị thẩm mỹ cao nhất.
Chia sẻ về tác phẩm Lá sen thu và các tác phẩm điêu khắc lấy Sen làm cảm hứng, nghệ nhân Đỗ Văn Cường cho biết thêm: Đối với tôi, sen là món quà vô giá từ thiên nhiên mang nét đẹp giản dị, tao nhã và thuần khiết. Sen hiện thân cho sức sống vươn lên, tinh thần mạnh mẽ của người Việt “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Sen còn được gắn với hình ảnh của Đức Phật, với hình tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chính vì vậy, khi làm nghề điêu khắc gỗ, tôi nhận được nguồn cảm hứng đặc biệt để sáng tác nhiều tác phẩm về sen.”
Hiện nay, bên cạnh các tác phẩm điêu khắc sen, nghệ nhân Đỗ Văn Cường còn sáng tác nhiều tác phẩm độc đáo như, tượng gỗ, tranh gỗ, điêu khắc động vật, các loại hoa, quả,… Các tác phẩm của nghệ nhân Đỗ Văn Cường đã được nhiều khách hàng ở Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hưng Yên,… yêu mến. Một số tác phẩm, sản phẩm đã xuất khẩu sang nước ngoài.
Thời gian qua, được sự quan tâm của thành phố Hà Nội, nhất là Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & Môi trường, nghệ nhân Đỗ Văn Cường đã thường xuyên tham gia các cuộc thi, hội chợ, triển lãm để giới thiệu mẫu mã sản phẩm, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Năm 2017, nghệ nhân Đỗ Văn Cường đã được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội trong lĩnh vực chạm khắc gỗ mỹ nghệ. Từ năm 2019, nghệ nhân Đỗ Văn Cường đã đưa các sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đạt OCOP 4 sao như sản phẩm Tượng Chúa Sơn lâm và 3 sao như Đài nến Hoa sen, Điêu khắc quả mít, Điêu khắc cá Kim Long,…. Gần đây nhất, tác phẩm Lá Sen thu điêu khắc gỗ, một sản phẩm tiêu biểu của nghệ nhân Đỗ Văn Cường, đã được Bộ Công Thương công nhận là SPCNNTTB khu vực phía Bắc năm 2024.
“Việc được chứng nhận sản phẩm OCOP, SPCNNTTB khu vực phía Bắc đã khẳng định giá trị làng nghề, tạo điểm tựa, nâng tầm giá trị sản phẩm làng nghề, giúp các nghệ nhân khẳng định được trí tuệ, tài hoa và có thêm niềm tin sáng tạo và sáng tác từ đó góp phần đưa làng nghề của địa phương phát triển lên một tầm cao mới” – nghệ nhân Đỗ Văn Cường khẳng định.
Có thể thấy, mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo, mang phong cách văn hóa địa phương có sức cạnh tranh cao trong thị trường trong nước và quốc tế. Nhận thức sâu sắc giá trị của làng nghề và nghề truyền thống, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách cũng như các hoạt động hỗ trợ nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 9 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô; trong đó, khẳng định ưu tiên phát triển nghề, làng nghề đến 2025 tầm nhìn đến 2030.
Riêng chương trình khuyến công, trong hơn 10 năm qua, Thành phố đã tổ chức gần 1.000 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho hơn 38.000 lao động nông thôn với các nghề như may mặc, cơ khí, mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ... Hàng trăm lượt doanh nghiệp, cơ sở CNNT được hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất bằng nguồn kinh phí khuyến công. Cùng với đó là nhiều hoạt động hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tổ chức hoặc hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước.
Để khu vực này phát huy thế mạnh, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Tiếp tục thực hiện lồng ghép các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có để hỗ trợ các làng nghề phát triển.
Tuấn Kiệt