HSBC lạc quan
Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 12/2015. Trong đó, HSBC dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2016 sẽ đạt mốc 6,7%. Con số này khá sát với dự báo của WB đưa ra cách đây vài ngày là 6,6%. Tỷ giá được dự báo sẽ đạt mốc 23.000 VND/USD. HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ chỉ ở mức 4,9% vào cuối năm 2016 so với cùng kỳ.
Chính vì vậy, HSBC khẳng định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải chuyển sang biện pháp quản lý thắt chặt vào năm sau và kỳ vọng NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% nữa trong quý 3/2016, đưa mức lãi suất thị trường mở (OMO) lên 5,5%.
Theo báo cáo, kể từ năm 2011, Việt Nam đang có mức thặng dư tài khoản vãng lai khá thoải mái nhờ vào sự thay đổi mạnh trong cán cân thương mại hàng hóa và nguồn kiều hối ổn định. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa bị xói mòn đã dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng thu hẹp lại. Trong quý 1/2015, cán cân tài khoản vãng lai đã rơi vào ngưỡng thâm hụt 1 tỷ USD, mức thâm hụt đầu tiên trong gần 4 năm qua. Trong năm 2016, HSBC dự đoán cán cân tài khoản vãng lai sẽ rơi vào ngưỡng thâm hụt tương đương khoảng 1,6% GDP từ mức thặng dư ước tính 0,2% trong năm 2015 và 5,1% trong năm 2014.
Về mặt vốn, HSBC kỳ vọng nguồn vốn FDI dồi dào sẽ tiếp tục hỗ trợ cán cân thanh toán chung của Việt Nam; tuy nhiên, điều này có lẽ không đủ. Cân bằng cán cân thương mại đang chịu áp lực bởi những nguyên nhân sau: thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng mỏng và dòng vốn đổ ra ngoài nước ngắn hạn.
Trạng thái căng thẳng trên thị trường ngoại tệ cùng với sự thay đổi bất thường của đồng Nhân dân tệ trong tháng 8 đã tạo thêm áp lực đối với cán cân thanh toán: mặc dù quý 3/2015 đã trôi qua nhưng số liệu về cán cân thanh toán vẫn chưa có, dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã giảm 6,7 tỷ USD trong quý 3/2015 còn 30,3 tỷ USD vào cuối tháng 9 vừa qua, tương ứng với 2,1 tháng nhập khẩu (trong khi đó vào tháng 6 là 2,6 tháng).
Theo HSBC, việc thâm hụt tài khoản vãng lãi có thể trở lại trong năm 2016. Điều đó có nghĩa rằng cán cân thanh toán có thể vẫn chịu nhiều áp lực trong năm sau và cả 2017. Thách thức vĩ mô của Việt Nam bị giới hạn về thời gian; tuy nhiên, NHNN có thể chọn chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm sau để duy trì định hướng tăng trưởng bền vững.
Báo cáo chỉ ra, mặc dù chưa ở mức báo động, tăng trưởng tín dụng vẫn đang thể hiện mạnh hơn trong năm 2015 thúc đẩy nhu cầu trong nước và đẩy mức tăng trưởng từ đầu năm đến quý 3/2015 đạt 6,5% so với cùng kỳ, tăng so với mức 5,6% trong suốt thời điểm năm ngoái. Tiêu thụ đã đặc biệt mạnh, trong quý 3/2015 tăng 9,1% tính từ đầu năm so với cùng kỳ.
Mức cải thiện của tín dụng, cùng với sự phấn khích hơn về những thay đổi trong quy định sở hữu nước ngoài của Việt Nam cũng đã châm ngòi cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.
WB quan ngại về nợ xấu
Nếu như câu chuyện tăng lãi suất là chủ thể chính nổi bật trong báo của HSBC thì trong báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam của WB lại có điểm nhấn liên quan đến vấn đề nợ xấu.
WB cũng điểm lại những diễn biến gần đây của kinh tế Việt Nam. Tổ chức này đánh giá lạm phát thấp đã tạo điều kiện áp dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ. Báo cáo nêu rõ, mặc dù không có những dấu hiệu rõ ràng về chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm nay nhưng tín dụng đã tăng trưởng mạnh, đạt mức 12% (tính từ đầu năm đến tháng 9/2015) - mức tăng trưởng cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2011.
Tăng trưởng tín dụng trở lại đã hỗ trợ nhu cầu đầu tư và các hoạt động kinh tế khác nhưng cũng phần nào gây quan ngại về chất lượng các khoản vay, nhất là khi các khoản nợ xấu tồn đọng trong các ngân hàng thương mại từ các năm trước chưa được xử lý triệt để.
Các chuyên gia WB cũng lo ngại trước thực trạng các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, nhưng xử lý nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức, vẫn là vấn đề hết sức khó khăn.
NHNN Việt Nam thông báo tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng đã giảm xuống dưới 3% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên có được kết quả này phần nào là do các khoản nợ xấu đã được chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng như tổng tín dụng đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, chuyên gia WB nhìn nhận.
Báo cáo của WB phân tích, cho đến tháng 10/2015, VAMC thông báo đã mua tổng cộng 226.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương khoảng 10 tỷ USD. VAMC đã dùng trái phiếu của mình để mua các khoản nợ xấu này. Tuy nhiên, VAMC mới xử lý được khoảng 7% tổng nợ xấu bằng cách bán khoản nợ xấu đó hoặc các tài sản thế chấp.
Khuyến nghị
Theo tổ chức WB, về cơ bản, triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam là tích cực. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách trong năm tới.
Mức tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ đạt được trong năm nay phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân, theo báo cáo.
Tuy triển vọng chung là tích cực, nhưng dưới góc nhìn của WB, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro bất lợi, do khoảng đệm chính sách còn hạn chế nên các cú sốc bên ngoài và trong nước có thể ảnh hưởng lên sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Báo cáo cho rằng, tiến trình tái cơ cấu chậm chạp trong nước gây ra nhiều rủi ro đáng kể đối với viễn cảnh tăng trưởng trung hạn. Ngoài ra còn phải kể đến một số rủi ro tài khóa đáng kể, và nếu chậm thực hiện chương trình thắt chặt tài khóa thì mức độ bền vững nợ cũng bị ảnh hưởng.
Áp lực tăng chi bắt nguồn từ chi thường xuyên, kể cả áp lực tăng lương, sẽ gây khó khăn cho việc cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Các rủi ro tài khóa còn trở nên cao hơn bởi trách nhiệm trả nợ liên đới liên quan đến các món nợ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.
Cùng với tăng trưởng tín dụng các rủi ro trong ngành ngân hàng, kể cả tăng trưởng nóng, cũng sẽ tăng lên nếu không được quản lý cẩn trọng và có thể gây ra một đợt mất ổn định mới và tác động tiêu cực lên tăng trưởng.
Môi trường bên ngoài nói chung là thuận lợi đối với Việt Nam, nhưng những rủi ro mới nảy sinh đòi hỏi phải tiếp tục quản lý vĩ mô tốt nhằm bảo vệ nền kinh tế an toàn trước các cú sốc có thể xảy ra. Thắt chặt tài khóa, chính sách tỷ giá linh hoạt hơn và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp khắc phục các yếu kém, WB khuyến nghị.
Vân Lam/nguoitieudung.com.vn