Những năm qua Lâm Đồng đã được nhiều nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn với nhiều dự án có quy mô lớn. Bên cạnh tiềm năng, lợi thế về địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, tài nguyên thiên nhiên... thì yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư chính là sự tin cậy về cơ chế, chính sách; môi trường đầu tư thông thoáng theo hướng cởi mở, thân thiện và minh bạch.
Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư
Để thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và cam kết với cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo với các giải pháp cụ thể cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, khuyến công, hỗ trợ khởi nghiệp, tăng cường hiệu quả công tác đối thoại, triển khai khảo sát. Năm 2020, PCI của tỉnh Lâm Đồng xếp ở vị trí 23/63 tỉnh thành với 64,43 điểm, thuộc nhóm các địa địa phương có mức điều hành khá.
Lâm Đồng cũng kiên trì thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện căn bản môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu đưa tỉnh Lâm Đồng đứng vào nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI của cả nước. Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là về giải phóng mặt bằng, giao đất, thuế, hải quan... Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, đồng bộ trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch về quy hoạch, thủ tục hành chính và chính sách thu hút đầu tư.
Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm “Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”, năm 2021 tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng dương đạt 2,58%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, bằng 118% dự toán địa phương; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 32% GRDP.
Trong năm qua, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng của Lâm Đồng tiếp tục phát triển tốt, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 20.297 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 56.062 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 696 triệu USD...
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 959 dự án đầu tư còn hiệu lực , tổng vốn đăng ký khoảng 125.863 tỷ đồng. Riêng năm 2021, có 20 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư/ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký hơn 1.517 tỷ đồng.
Tạo lợi thế so sánh
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài làm cho nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn. Với mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cùng với việc tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng chống dịch COVID-19, đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội… Lâm Đồng tiếp tục rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các cơ chế, chính sách địa phương đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với các quy định mới và thực tế hiện nay, đặc biệt là các chính sách trong lĩnh vực ưu đãi, thu hút đầu tư, đất đai, môi trường... tạo lợi thế so sánh cho tỉnh Lâm Đồng, góp phần nâng cao chỉ số PCI, chỉ số PAPI, chỉ số Par Index của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng cũng thành lập Tổ công tác giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp với thành viên khác là đại diện lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương do Phó chủ tịch tinh làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp và trực tiếp giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, tổ chức các buổi làm việc, các chương trình đối thoại theo địa bàn, chuyên đề, lĩnh vực với các hiệp hội, hội, chi hội, các doanh nghiệp để trực tiếp giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Hiệp nhấn mạnh, việc cải thiện và nâng cao chỉ số PCI ở Lâm Đồng nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, thân thiện, hấp dẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh để tham gia đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc cải thiện và nâng cao chỉ số PCI ở Lâm Đồng nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, thân thiện, hấp dẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh để tham gia đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Theo Diendandoanhnghiep.vn