Năm 2021 là năm đầy biến động, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất, linh hoạt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của toàn thể nhân dân và doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng vẫn giữ được ổn định và phát triển. Tổng sản phẩm trong nước GRDP tăng 3,1%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 32% GRDP; Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 10.300 tỷ đồng, đạt 110,8% dự toán địa phương, tăng 9,3% so với cùng kỳ...
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, với phương châm “Phòng thủ chặt, tấn công thần tốc”, tỉnh đã kịp thời điều động lực lượng y tế, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; Đồng thời, chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế.
Triển khai “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, Lâm Đồng đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19 trên địa bàn, từ đó kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, kiến nghị, đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp, người dân...
Song song với các giải pháp phòng, chống dịch, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, PAPI... Năm 2021, toàn tỉnh có 1.100 doanh nghiệp thành lập mới. Tính đến nay toàn tỉnh có 11.200 doanh nghiệp, trong đó có 7.900 doanh nghiệp đang hoạt động và kê khai thuế.
Trong năm 2021, toàn tỉnh có 20 dự án được quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký hơn 1.517 tỷ đồng. Đến nay, Lâm Đồng có 959 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 125.863 tỷ đồng.
Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Rà soát quỹ đất, các khu vực có khả năng thu hút đầu tư để xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch, đầu tư và một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, như: nông nghiệp, du lịch, phát triển đô thị… Đồng thời, ban hành các quy định tạo hành lang pháp lý cho các lĩnh vực có khả năng thu hút đầu tư phù hợp với xu thế phát triển và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư… Thời gian tới, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
Nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tập trung nguồn lực khôi phục và thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, toàn diện, bền vững… tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, phát huy vai trò người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với lộ trình từng bước, chặt chẽ, phù hợp, khả thi…
Cùng với việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, phát triển đồng bộ hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của xã hội… Tỉnh Lâm Đồng cũng tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập. Đồng thời, chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực quan trọng phát triển nền kinh tế; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại…
Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác, như: Quy hoạch khu đô thị Liên Khương - Prenn, quy hoạch Khu vực Hồ Than Thở, quy hoạch Khu du lịch Đankia - Suối Vàng, Quy hoạch Khu du lịch Hồ Prenn… đảm bảo thống nhất, chất lượng, tầm nhìn dài hạn, theo đúng định hướng của Trung ương, địa phương.
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, năm 2022 Lâm Đồng đăt mục tiêu tổng sản phẩm GRDP tăng từ 6 -7%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 35-36% GRDP; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 10.500 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu đạt 815 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021... |
Theo Diendandoanhnghiep.vn