Thứ Ba, 26/11/2024 06:46:38 GMT+7
Lượt xem: 951

Tin đăng lúc 03-04-2021

Làm sao để doanh nghiệp Việt không bị động trước những biến động?

Chuyện “sống còn” của các doanh nghiệp (DN) trong nước đang đòi hỏi cần tiếp tục phòng tránh rủi ro, không để mãi bị động trước những biến động lớn về thị trường, dịch bệnh, logistics, giá nhiên liệu gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Làm sao để doanh nghiệp Việt không bị động trước những biến động?
Những biến động về logistics đang là mối lo lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Thị trường vận chuyển có nhiều biến động trong thời gian gần đây, điển hình như việc kênh đào Suez (Ai Cập) chỉ mới được khai thông trở lại sau khi một siêu tàu chở hàng mắc cạn, nằm chắn ngang gần một tuần. Ngày 30/3, Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến qua nền tảng Zoom dành cho các DN hội viên về phòng, tránh rủi ro trong kinh doanh dịch vụ logistics.

 

Như “cá nằm trên thớt”

 

Đây là chủ đề rất cần thiết khi mà thị trường dịch vụ logistics đang có những biến động khó lường (nhất là tình trạng giá cước vận tải biển tăng ở mức cao, thiếu container rỗng, các gián đoạn trong vận chuyển, giá nhiên liệu gia tăng…) đã ảnh hưởng lớn đến các DN.


Với các DN dịch vụ logistics, một trong những rủi ro lớn nhất mà họ phải đối mặt chính là rủi ro biến động vận chuyển. Chẳng hạn như điều kiện bên ngoài ảnh hưởng tới các tuyến đường, tuyến hàng hải ngăn cản việc vận chuyển, hoặc các sự cố như ngừng hoạt động hoặc ngừng hoạt động kinh doanh khiến việc vận chuyển không kịp thời…

 

Hoặc trong hoạt động xuất nhập khẩu, những rủi ro về mặt vận chuyển cũng là điều mà nhiều DN ngán ngại. Đơn cử với sự cố “siêu tàu” chở hàng Ever Given mới được giải cứu sau 6 ngày trên kênh đào Suez gây tắc nghẽn đường hàng hải quốc tế, theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc này tác động trực tiếp tới xuất khẩu (XK) hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường EU.

 

Ông Hải cho biết, tính riêng 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam XK sang EU 7,5 tỷ USD, trung bình mỗi ngày lưu lượng trao đổi hàng hóa XK sang thị trường này đạt khoảng 100 triệu USD. Và việc ùn tắc ở kênh đào Suez làm cho giao dịch thương mại bị chậm lại đáng kể, từ đó sẽ phát sinh các chi phí.

 

“Đương nhiên, các DN sẽ bị ảnh hưởng về tiến độ giao hàng cũng như chiều nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng ở Việt Nam”, ông Hải nói.

 

Còn theo Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep) dẫn lại phản ánh của DN XK cá tra tại Tp.Cần Thơ, với giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ thì DN thủy sản như “cá nằm trên thớt”, đặt được chuyến là mừng cho dù chưa biết giá cước là bao nhiêu, vì các hãng tàu báo giá rất trễ và hiệu lực chỉ từ 10 - 15 ngày.

 

“Thậm chí, DN đã book được chỗ nhưng vì một lý do nào đó không thể xuất như lịch thì cũng mất hơn 1.500 USD/container. Hiện nay, DN thủy sản không biết phải “bơi” làm sao, vì giờ đây các hãng tàu đã là các “thượng đế” rồi”, phía Vasep chia sẻ.

 

Hoặc như việc hãng vận chuyển tàu biển quốc tế MSC cho biết, từ tháng 4/2021 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Việc này sẽ làm tăng tải cho tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay.

 

Chủ động thích ứng

 

Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý các DN trong nước cần chủ động nâng cao khả năng thích ứng tốt hơn nhằm giảm thiểu các rủi ro, thiệt hại, phát sinh chi phí. Đặc biệt là cần thể hiện tốt sức chống chịu trước những biến động làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị gián đoạn, đứt gãy.

 

Ông Dũng cho rằng, với các DN Việt có thị trường rộng, sản phẩm xuất đi nhiều quốc gia thì sẽ trở nên khó khăn hơn khi đối mặt các biến động về mặt dịch bệnh, vận chuyển, thiên tai, chính trị…

 

Theo đó, những DN này trước đây có doanh thu tốt vì bán hàng đi khắp thế giới, nhưng nếu xảy ra các rủi ro, gián đoạn dẫn đến thị trường nhập khẩu không thể tương tác trực tiếp thì có thể mất thị trường.

 

“Mà đã mất thị trường thì sẽ mất doanh thu. Và khi mất doanh thu thì cả đầu vào, phía DN cũng không tiếp cận để làm gì, làm ảnh hưởng lên nguồn cung từ các nhà sản xuất khác”, ông Dũng nói.

 

Chuyên gia này khuyến cáo, việc phòng tránh rủi ro, chủ động những phương án dự phòng đối với các biến động làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất là rất cần thiết với các DN trong bối cảnh như hiện nay.

 

Đặc biệt, các DN cần xác định rủi ro tiềm ẩn, phân loại rủi ro. Trước hết là xếp hạng rủi ro, tiếp đến là xây dựng kế hoạch ứng phó và sau đó là tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp.

 

Điển hình như với các DN XK ngành hàng nông sản, việc tìm ra các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh XK là mang tính “sống còn”, để không phải thường bị động trước các biến động về mặt thị trường, logistics, dịch bệnh, xu hướng bảo hộ thương mại...

 

Nếu nhìn vào số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê sẽ thấy tình trạng DN rút lui khỏi thị trường vẫn còn là nỗi lo lớn trước các biến động trong thời gian qua. Riêng trong quý I/2021 đã có 40,3 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính trung bình mỗi tháng có 13,4 nghìn DN rời khỏi thị trường.

 

Việc rút lui của những DN này là điều mà những DN đang tồn tại trên thị trường cần tiếp tục lưu tâm nhằm có chiến lược “trụ vững” thích hợp, nhất là tránh không phải rơi vào cảnh “cá nằm trên thớt” khi mà các biến động khắc nghiệt có thể đến bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

 

Theo Doanhnghiepvn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang