Thời gian qua, Cục Báo chí xuất bản – Bộ Thông tin và Truyền thông đã mạnh tay xử lý nhiều trường hợp, trong đó có cả cơ quan báo chí và nhà báo, phóng viên. Có những người lợi dụng danh nghĩa nhà báo để tống tiền doanh nghiệp, lại cũng có cơ quan báo chí dung túng để phóng viên lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của cơ quan, tổ chức, người dân để viết bài sai sự thật, hoặc câu view, giật gân nhằm thu hút người hiếu kỳ, gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại không chỉ về mặt kinh tế, mà còn làm tổn thương về mặt tinh thần, uy tín danh dự của các tổ chức, cá nhân và nhiều hệ lụy khác. Những biện pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng đối với những vụ việc sai phạm rất được dư luận đồng tình, ví dụ, đối với cơ quan báo chí thì xử lý phạt tiền, đình bản, ngắn thì một tháng, dài tới ba tháng, nghiêm trọng hơn có thể tới 6 tháng, một năm, hoặc thu hồi giấy phép. Còn cá nhân sai phạm sẽ khiển trách, cảnh cáo, thu hồi thẻ nhà báo, thậm chí chuyển cơ quan pháp luật xử lý hình sự. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần ngọn, bởi rất cần phải tìm ra cái gốc dễ của vấn đề dẫn tới những sai phạm đó.
Trước hết, đó là việc các cơ quan báo chí phải hiểu và làm đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn đã được ghi trong giấy phép hoạt động. Các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên cần phải có ý thức tuân thủ các quy định của Luật Báo chí, về đạo đức nghề nghiệp, để không dễ bị cám dỗ vật chất, dẫn tới đánh mất mình chỉ vì một khoản tiền, có khi số tiền đó lại không lớn. Đạo đức nghề nghiệp, cũng như am hiểu pháp luật phải được liên tục trau dồi, bởi nếu xa rời tôn chỉ đó, sẽ có những nhà báo, phóng viên trong khi tác nghiệp không hiểu rõ đúng sai, không nắm bắt thông tin mà chỉ dựa vào các trang mạng xã hội để rồi viết bài theo kiểu hư cấu, làm ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Vậy cơ quan báo chí phải làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Không khó lắm, chỉ cần cơ quan quản lý báo chí nhà nước trước khi hiệp thương bổ nhiệm phải kiểm tra, tìm hiểu xem người đó có đủ tin cậy, xứng đáng là người đứng đầu cơ quan báo chí hay không? Tin cậy bởi báo chí là hoạt động đặc thù, không thể để cơ quan chủ quản (các tổ chức chính trị, xã hội, ngành nghề…) bổ nhiệm người chưa làm báo, chưa quản lý báo chí, hoặc đang làm doanh nghiệp sang đứng đầu cơ quan báo chí, vì họ không hiểu được những nguyên tắc của Luật Báo chí quy định nên khi đã được bổ nhiệm rồi, thường thì họ chỉ tập trung làm sao đốc thúc phóng viên kiếm được nhiều tiền cho cơ quan, mà ít chú trọng tới chất lượng nội dung. Phóng viên sai phạm trước hết đó là lỗi của thủ trưởng cơ quan báo chí, họ đã thiếu kiểm tra, nhắc nhở, không thường xuyên trau dồi bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, thậm chí còn bật đèn xanh, dung túng cho phóng viên, nhà báo làm những việc vi phạm pháp luật. Chính những người đứng đầu như vậy mà phóng viên trong quá trình tác nghiệp đã định hướng sai, không tập trung vào chuyên môn, mà chỉ bằng mọi cách, trong đó có việc vòi vĩnh, quấy quả, dọa dẫm cơ quan, doanh nghiệp để tạo nguồn thu cho tòa báo. Thế nên, khi sự việc xảy ra, nếu sai phạm liên quan đến pháp luật thì cứ xử lý nghiêm người đứng đầu là mọi việc sẽ ổn.
Các ấn phẩm Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng tại Hội báo Xuân tỉnh Bình Định năm 2019
Ngăn ngừa, không để các cơ quan báo chí sai phạm cũng không phải là khó, bởi cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cứ nghiêm khắc nếu các tòa báo đi chệch hướng giấy phép hoạt động, sai với tôn chỉ mục đích. Không thể để tình trạng giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này thì cơ quan báo chí lại viết sang lĩnh vực khác. Bởi trên thực tế, khá nhiều phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo, hay cả cộng tác viên thường lấy thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí “đánh hơi” từ mạng xã hội, rồi lấy danh nghĩa cơ quan báo chí để hù dọa cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, nhất là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực SXKD, bất động sản, xây dựng, môi trường… Vậy chỉ cần giám sát, kiểm duyệt chặt chẽ thì chắc chắn không một cơ quan báo chí nào dám “phá rào”.
Khắc phục tình trạng các cơ quan báo chí gây khó cho doanh nghiệp, địa phương, gần đây Cục Báo chí – Xuất bản cũng đã yêu cầu các cơ quan báo chí tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động của các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú của các tòa soạn báo. Tuy nhiên, hiện vẫn có những tờ báo ngành quân số lên tới 60-70 người, trong khi số cán bộ, phóng viên hưởng lương thực tế chỉ 9-10 người, số còn lại không hưởng lương thì nằm tại các cơ quan đại diện, văn phòng thường trú ở các địa phương. Họ lấy danh nghĩa báo chí tuyển dụng các cộng tác viên hoạt động quảng cáo, tạo nguồn thu cho Tòa soạn. Đội ngũ cộng tác viên này chỉ được hưởng phần trăm trên tổng doanh thu, vì vậy, ngoài một số ít mong muốn làm việc lâu dài, trau dồi kỹ năng làm báo thì đa phần lại tìm cách gọi điện, gửi thư xin xỏ, vòi vĩnh, thậm chí dọa dẫm cơ quan, doanh nghiệp. Những “nạn nhân” của các văn phòng đại diện, thường trú thường là các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương và cả các cá nhân hoạt động trong những lĩnh vực như sản xuất vật liệu xây dựng, bất động sản, môi trường, hoặc “nhạy cảm” hơn là những nơi đó có mắc sai phạm, khuyết điểm… Nếu cơ quan báo chí nào để xảy ra sai phạm, xin cứ dẹp tất cả các cơ quan đại diện, văn phòng thường trú của cơ quan đó, thì tự khắc, họ sẽ bảo nhau làm ăn chân chính, đĩnh đạc.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích lời ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại buổi làm việc với một số cơ quan báo chí gần đây: “Hiện nay tình hình kinh tế phát triển, đời sống tăng lên, nhưng xã hội bộc lộ nhiều tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đã tác động nhiều đến đời sống báo chí và những người làm báo. Để môi trường báo chí trong sạch, các tờ báo phải cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh, không để phóng viên làm tiền, hăm dọa…, đừng để xảy ra rồi cho đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà đây là trách nhiệm chung của người làm báo”.
Mai Hương