Việt Nam hiện đang là quốc gia sản xuất giày dép lớn thứ 3 thế giới, chiếm 5% sản lượng toàn cầu, sau Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời giữ vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu (XK) kim ngạch mặt hàng này với tỷ trọng thị phần 7,3%. Năm 2015, tổng kim ngạch XK của ngành Da giày và túi xách đạt 14,9 tỷ USD (10%), hiện tại các sản phẩm da giày và túi xách của VN đã có mặt ở 50 nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ năm 2016, khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… lộ trình đến năm 2018 sẽ thực hiện việc xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 17%- 45% về 0%, sẽ giúp DN ngành Da giày tăng trưởng XK.
Sản xuất ngành Da giày sụt giảm
Nhiều thuận lợi là thế, song theo thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm 2016, XK toàn ngành Da giày túi xách đạt 9,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2015, kết quả này có dấu hiệu chững lại và khó có thể đạt được mục tiêu kế hoạch kim ngạch XK 17 tỷ USD đặt ra trong năm 2016. Bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và túi xách VN cho biết: “Trong những tháng đầu năm, các đơn hàng có xu hướng chậm lại, đặc biệt là thị trường EU, do tác động của nền kinh tế cũng như những biến động về chính trị, các đơn hàng vào thị trường EU có sự suy giảm mạnh”.
Việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do trong những năm qua đã là nỗ lực lớn của Chính phủ và các bộ ngành hữu quan trong việc giúp các DN của VN tiếp cận với thị trường rộng lớn của thế giới. Tuy vậy, sân chơi TPP và các FTA khác cũng đang đặt ra hàng loạt các yêu cầu mới cho ngành Da giày, nhất là yêu cầu về chất lượng hàng hóa, sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, khả năng giải quyết tranh chấp thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường thế giới và phát triển thị trường trong nước. Một yêu cầu hết sức quan trọng là vấn đề quy tắc xuất xứ về nguyên phụ liệu, đó cũng chính là điểm yếu của ngành Da giày VN.
Thực tế sản xuất nhiều năm qua thấy rằng, nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng lớn từ 70-75% trong cơ cấu giá thành các sản phẩm giày dép, trong khi đó tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của DN trong ngành hiện chỉ đạt 40-50% và vẫn phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu quan trọng như da thuộc, da nhân tạo, nhựa PVC, sơn PU, vải, keo và phụ thuộc vào chủ hàng từ nguồn nguyên phụ liệu cho đến mẫu mã, khả năng marketing, đó chính là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm giày da, túi xách của chúng ta không cao. Các DN sản xuất luôn ở thế bị động khi phải phụ thuộc vào nguồn cung ứng nguyên phụ liệu từ nước ngoài.
Nguyên phụ liệu – nỗi trăn trở của doanh nghiệp da giày
Trên thực tế, VN đã chủ động được nguyên liệu giày vải và một số dòng sản phẩm khác từ 30-40%, nhưng vẫn có 70% DN phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Hàng năm, VN chi khoảng 300 triệu USD để nhập da giả và da thuộc, các nhà máy thuộc da ở trong nước chưa đáp ứng được 10% nhu cầu của các DN sản xuất trong ngành. Tỷ lệ nội địa hóa của nguyên liệu da thuộc, giả da hiện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu sản xuất. Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã ra đời, song để hiện thực hoá thì cần có thông tư hướng dẫn và có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của DN. Việc chậm ban hành các thông tư hướng dẫn để Nghị định đi vào cuộc sống trong bối cảnh hội nhập sâu rộng sẽ làm mất cơ hội cho các DN và thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê, hiện có 65-70% số DN sản xuất giày dép, túi xách trong nước đang thực hiện phương thức sử dụng nguồn nguyên liệu thiết kế do khách hàng nước ngoài cung cấp và gắn nhãn hiệu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Chỉ khoảng 25-30% số DN còn lại sản xuất theo phương thức tự thiết kế sản phẩm, tự mua nguyên liệu và có nhãn hiệu riêng. Nhiều chi tiết nhỏ trên chiếc giày như da, miếng lót, quai, khóa, đế và gót giày… được cung ứng từ nhiều nguồn nguyên phụ liệu khác nhau, đằng sau nó là cả một câu chuyện lớn của ngành công nghiệp (CN) sản xuất da giày bởi vấn đề nguyên phụ liệu luôn là nỗi trăn trở của các DN sản xuất trong nước.
Theo ông Hà Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng: “Nguyên phụ liệu trong nước hiện nay có một số sản phẩm rất phù hợp, nhưng ngược lại có một số sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao. Chúng ta chưa có đủ để đáp ứng theo nhu cầu này, muốn có được sản phẩm tốt, đảm bảo được nguyên phụ liệu trong nước, để có đủ các yếu tố XK được cho các thương hiệu lớn thì chúng ta phải đầu tư tiếp tục hơn nữa về các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, đồng thời phải nhận được sự hỗ trợ từ các DN sản xuất mặt hàng này”.
Mặc dù ngành công nghiệp da giày và túi xách VN có tổng giá trị XK lớn, với mức tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 9,7%/năm, nhưng giá trị gia tăng lại rất thấp, nhất là đối với DN trong nước. Hiện tại cả nước có trên 800 DN hoạt động trong ngành này, trong đó DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa đến 25%, nhưng lại chiếm hơn 80% kim ngạch XK, DN trong nước chiếm số đông nhưng kim ngạch XK lại thấp hơn rất nhiều, rõ ràng nếu nhìn cơ cấu xuất khẩu theo khối DN cho thấy đang có sự đuối sức của các DN nội địa. Nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, cơ cấu trên sẽ tiếp tục thay đổi trong thời gian tới, bởi phần lớn các DN nội địa có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, nếu DN trong nước không đảm bảo cơ cấu xuất khẩu ở mức 15% trong tổng kim ngạch thì sự cách biệt sẽ ngày càng lớn và khó có thể đảm bảo sự tồn tại phát triển lâu dài của các DN da giày nội địa.
Nâng cao năng lực cho các DN da giày nội địa
Vấn đề đầu tư sản xuất nguyên liệu cho ngành Da giày từ lâu đã được xem là trọng tâm sống còn của ngành, thế nhưng DN trong nước rất khó để được các địa phương cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy, lý do mà các địa phương đưa ra là ngành nghề này nhạy cảm với môi trường, trong khi đó các DN FDI lại không bị từ chối cho cấp phép đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cung ứng cho ngành da giày và túi xách. DN FDI có tiềm lực mạnh để đầu tư những nhà máy lớn, lại được phép đầu tư từ khâu cung cấp nguyên phụ liệu đến khâu sản xuất để tận dụng lợi thế từ các FTA, như vậy DN trong nước đang gặp nhiều khó khăn và không thể cạnh tranh được với các DN đầu tư nước ngoài, đồng nghĩa với việc sẽ ít được hưởng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do mang lại.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, để hóa giải những khó khăn về nguyên phụ liệu cho ngành da giày, Nhà nước cũng phải tạo điều kiện cho các cụm CN phụ trợ phát triển, đồng thời cần thực hiện nghiêm túc Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp da giày đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tập trung đầu tư một trung tâm xử lý nước thải cho liền lúc 40-50 DN chuyên sản xuất các nguyên phụ liệu cho ngành da giày trong đó có thuộc da, như vậy sẽ giảm chi phí sản xuất cho các DN và khuyến khích được các DN đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.
Ngành Da giày VN là một trong những ngành kinh tế XK mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP của quốc gia. Với những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cho các sản phẩm da giày VN, thì những khó khăn đối với DN da giày như nguyên phụ liệu, chi phí đầu vào, hay vấn đề lương tối thiểu chắc chắn sẽ được hóa giải, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN để ngành Da giày mở rộng cánh cửa, hợp tác mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập.
Trường Hoa