PV: Trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng, tại Điều 8: Quyền lợi của người tiêu dùng, có ghi “Được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”, nhưng trên thực tế, vì sao, điều này chưa được thực hiện đầy đủ, thậm chí có nơi, có lúc còn bị vi phạm nghiêm trọng, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trong 8 quyền của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật) thì quyền được bảo đảm an toàn được ghi hàng đầu, đủ cho thấy tầm mức quan trọng của nó. Qua gần 3 năm thực thi Luật tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng quyền này chưa được thực hiện đầy đủ, trong nhiều trường hợp còn bị vi phạm nghiêm trọng.
Về kết quả, qua các hội nghị giao ban triển khai công tác quản lý thị trường năm 2014 được biết, năm 2013 riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 161.239 vụ, xử lý 84.439 vụ, trong đó có trên 14 ngàn vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách gần 330 tỷ đồng. Đã thu giữ, xử lý, ngăn chặn việc lưu thông trên thị trường nhiều sản phẩm, hàng hóa nhập lậu, không an toàn cho người sử dụng. Trong đó, có 48 ngàn chai, lít rượu, gần 66 ngàn lon bia, trên 1 triệu bao thuốc lá, gần 730 ngàn mỹ phẩm, trên 154 ngàn đồ chơi, gần 70 ngàn mũ bảo hiểm và rất nhiều mặt hàng khác, như bột ngọt, trái cây, đường kính, tân dược, nước giải khát, bánh kẹo, sữa, gia cầm, gia súc, phụ phẩm gia súc, thủy, hải sản, thuốc bảo vệ thực vật... Kết quả cũng được thể hiện qua việc làm cụ thể của nhiều doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng...
Tuy nhiên, những nỗ lực của lực lượng chức năng dù là rất lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng tình hình. Một thực tế nhức nhối là quyền được bảo đảm an toàn của người tiêu dùng vẫn đang bị thách thức bởi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều thủ đoạn gian lận khác đang diễn ra trên thị trường. Như hiện tượng cháy nổ ô tô, xe máy; xăng bị pha thêm chất lỏng; gas trộn chất dimethyl ether (DME) trong quá trình sử dụng, do tính chất ăn mòn vỏ bình và các linh kiện cao su dẫn đến nguy cơ gây cháy nổ do rò rỉ gas; hàng vạn xe ô tô của hãng sản xuất phải triệu hồi; nhiều mặt hàng Trung Quốc sản xuất nhưng đội lốt hàng Việt Nam hoặc mang các thương hiệu nổi tiếng của nước khác, trong đó có những mặt hàng như đồ chơi, quần áo trẻ em có chất độc hại; thịt lợn siêu nạc có tồn dư hóa chất nhóm beta agonist; phủ tạng động vật xử lý bằng hóa chất độc hại; thực phẩm chế biến sử dụng phụ gia ngoài luồng; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kính thích nảy mầm, thuốc bảo quản độc hại trong rau, quả; rượu nếp 29 Hà Nội hàm lượng methanol gấp hàng ngàn lần tiêu chuẩn cho phép đã dẫn đến chết người…
PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này ra sao?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này, theo cách nhìn nhiều chiều, ở góc độ tổ chức xã hội, thì tôi cho rằng có mấy nguyên nhân chính sau đây:
Một là, từ phía người sản xuất, kinh doanh. Như chúng ta đã biết, tổ chức, cá nhân kinh doanh là một trong 4 đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật, hay nói cách khác là có trách nhiệm thực hiện Luật. Nhưng bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, vẫn còn không ít đã vì lợi ích trước mắt mà không ngần ngại có những hành vi vi phạm, nhẹ thì hành chính, nặng thì hình sự. Việc cung ứng ra thị trường những hàng hóa không an toàn, có những trường hợp là sự cố không mong muốn. Nhưng có thể nói, không ít trường hợp, người sản xuất, kinh doanh biết tính chất độc hại của nguyên liệu, hương liệu, phụ gia, hóa chất đối với sản phẩm nhưng vẫn cố tình đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh, dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng. Lợi nhuận cao đã làm cho họ bất chấp pháp luật và sức khỏe người tiêu dùng.
Hai là, từ phía người tiêu dùng. Hầu hết người tiêu dùng là nạn nhân. Ai cũng muốn là người tiêu dùng thông thái. Nhưng thiết nghĩ, ngay cả nhà thông thái cũng khó mà hiểu biết mọi lĩnh vực để đối diện vời muôn mặt của thị trường “vàng thau lẫn lộn” hiện nay. Cho nên người tiêu dùng thường ở thế yếu. Hơn nữa vẫn còn những người tiêu dùng vì nhiều lẽ vẫn ham giá rẻ mà chưa chú trọng về chất lượng. Tâm lý ngại đấu tranh, va chạm cũng là một thực tế. Tất cả những điều đó trở thành cơ hội cho những hành vi gian lận tồn tại. Ba là, về phía các cơ quan Nhà nước. Cơ chế chính sách còn bất cập nên bị lợi dụng. Công tác kiểm tra tuy đã cố gắng nhưng chưa theo kịp tình hình. Bốn là, về phía tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Được giao trách nhiệm nhưng chưa được giao nguồn lực để thực hiện.
Về giải pháp xin được đề xuất: Tổ chức, cá nhân kinh doanh cần chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, coi bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là quyền lợi của chính mình, người tiêu dùng mới đồng hành, qua đó bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đơn vị. Người tiêu dùng ở thế yếu khi đơn lẻ, nhưng ở thế mạnh khi đồng tâm, hiệp lực, cần lên tiếng và bằng hành động cụ thể để đấu tranh với những hành vi vi phạm. Thực hiện các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Chẳng hạn, sửa đổi quy định về chế độ hóa đơn chứng từ tránh để lợi dụng vận chuyển hàng buôn lậu, vừa thất thu ngân sách, vừa thiệt cho người tiêu dùng khi hàng cấm, hàng độc hại, hàng giả lọt vào thị trường nội địa. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp trong phạm vi chức năng và ảnh hưởng của mình tham gia tích cực hơn nữa trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhà nước có chính sách cho các tổ chức xã hội phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng
PV: Luật Bảo vệ người tiêu dùng có ghi “Người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”, nhưng thực tế những yêu cầu của người tiêu dùng thường không được đáp ứng. Điều này do người kinh doanh không thực hiện nghiêm minh luật pháp hay chủ yếu do kiến thức của người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Qua hoạt động tư vấn khiếu nại cho thấy, phần lớn là do người kinh doanh chưa thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật. Cũng có những trường hợp người tiêu dùng thành công khi gõ cửa tổ chức, cá nhân kinh doanh yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhưng nhiều trường hợp khi có sự vào cuộc của bên thứ 3, trong đó có các Văn phòng tư vấn giải quyết khiếu nại của Hội chúng tôi thì sự việc mới được giải quyết. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người tiêu dùng cũng thỏa mãn với cách giải quyết của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ngay cả khi có sự can thiệp, hỗ trợ của bên thứ 3 thì không phải trường hợp nào cũng thành công. Ở đây có nguyên nhân từ phía người tiêu dùng. Có trường hợp do thiếu kiến thức, không thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ dẫn đến hư hỏng sản phẩm do lỗi chủ quan, hoặc sơ xuất trong việc không lưu những bằng chứng giao dịch như hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan. Nhìn chung, pháp luật quy định là vậy nhưng người tiêu dùng bị thiệt hại thì nhiều, còn việc bồi thường không được là bao. Chẳng hạn tình trạng gian lận trong đo lường (hàng đóng gói sẵn thiếu trọng lượng, dùng chip điện tử để bớt xén ở cây xăng), vụ gần 1 vạn tấn xăng chứa aceton, ngộ độc thực phẩm, những vi phạm pháp luật về giá... người tiêu dùng thiệt hại nhưng không được bồi thường.
PV: Lâu nay quyền của người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chưa được bảo đảm, do vậy người tiêu dùng không có đủ kiến thức về hàng hóa, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng của họ. Theo ông, giải quyết vấn đề nay như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đây là quyền được xếp thứ hai trong 8 quyền của người tiêu dùng theo Luật định. Tuy nhiên quyền này cũng chưa được bảo đảm, do vậy trong nhiều trường hợp khiến cho người tiêu dùng không chỉ thiếu kiến thức về hàng hóa, dịch vụ mà còn bị cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối. Chẳng hạn thực phẩm chức năng hiện nay ngày càng được người tiêu dùng biết đến. So với năm 2000, doanh số bán ra toàn cầu năm 2007 tăng gấp 2,5 lần và năm 2010 tăng gấp 6 lần. Ở Việt Nam, thực phẩm chức năng mới phát triển trong khoảng 12 - 13 năm trở lại đây, nhưng đến nay nó đã trở thành hiện tượng bùng phát. Trên thị trường đã xuất hiện hàng vạn sản phẩm thực phẩm chức năng. Nhưng người tiêu dùng đang bị nhiễu bởi những thông tin quảng cáo thái quá và phải trả giá đắt cho những sản phẩm này. Tuy Luật An toàn thực phẩm đã xác định thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể, không được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Nhưng nhiều loại được quảng cáo như thần dược. Hậu quả đã xảy ra cho nhiều người tiêu dùng khi tiền mất, tật mang. Nhiều người tiêu dùng bị thiệt hại khi mua hàng qua mạng, qua xem giới thiệu sản phẩm trên “TV Shopping”, quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo.
Để giải quyết vấn đề này tôi cho rằng trước hết thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và bên thứ ba, trong đó có các phương tiện truyền thông trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng của nhà nước về quản lý ghi nhãn, thông tin quảng cáo, bảo vệ người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý. Tổ chức xã hội và người tiêu dùng tham gia vào việc đấu tranh với những hành vi phạm. Có như vậy mới hy vọng từng bước cải thiện được tình hình.
PV: Xin cám ơn ông!
Lê Xuân Tửu (Thực hiện)