Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cơ hội để các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thâm nhập thị trường thế giới đang được mở rộng bởi sau đại dịch COVID-19, một số DN FDI đa quốc gia bị gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu và đang tìm kiếm các DN trong nước chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện ngành CNHT để thay thế.
Đơn cử như ngành ô tô, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hiện mới chỉ khoảng 10% trong khi mục tiêu của nhiều doanh nghiệp ô tô lên tới 60%. Nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu thực sự đang mở ra cơ hội để kéo cả ngành CNHT cùng phát triển.
Mới đây, tại hội thảo chuyên ngành CNHT và phát triển các nhà cung cấp trong nước, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, Công ty Techtronic Industries (TTI) - đơn vị đang chiếm 44% thị phần toàn cầu về thiết bị không dây - đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ và phát triển các nhà cung cấp trong nước nhằm kết nối, mở rộng thị trường và tìm nhà cung cấp nguyên liệu công nghiệp hỗ trợ cho các DN FDI đa quốc gia.
Trong xu thế chung, các DN lớn, tập đoàn sản xuất lớn đang đặt nhà máy tại Việt Nam đang tích cực hỗ trợ, phát triển các nhà cung cấp tại chỗ để tối ưu hóa chi phí. Dù vậy, do phần lớn nhà cung cấp Việt Nam còn nhiều hạn chế về chất lượng, giá thành, chi phí… nên tỷ lệ nội địa hoá vẫn còn chậm. Điều đó dẫn tới việc các doanh nghiệp CNHT tại Việt Nam đa phần đều chưa đủ sức tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Nói về giải pháp cho thực trạng này, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), nói: "Việc đầu tiên doanh nghiệp phải nghĩ đến là đầu tư mới hoặc liên kết tạo ra cụm sản xuất. Bản thân mỗi doanh nghiệp khó làm được, cần vai thứ 3 từ nhà nước, Chính phủ để hình thành các cụm sản xuất như thế".
Đơn cử như ở TP.HCM, chính quyền đã có nhiều cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ DN ngành CNHT về vốn, công nghệ, đối tác, thị trường. TP.HCM đang rà soát bố trí quỹ đất phục vụ phát triển CNHT, đáp ứng nhu cầu cho DN nhỏ và vừa với quy mô diện tích và giá thuê phù hợp. Đồng thời UBND thành phố cũng triển khai Chương trình kích cầu đầu tư nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho DN đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị - công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…
Bên cạnh đó, sự tự tin đến từ bản thân doanh nghiệp nội địa cũng sẽ góp phần cải thiện tình hình phát triển của ngành CNHT hiện nay. Ngày càng có nhiều hơn những doanh nghiệp trong nước tự tin sản xuất những sản phẩm đòi hỏi độ phức tạp cao hơn, có hàm lượng chất xám nhiều hơn so với những sản phẩm đơn thuần, quen thuộc trước đây như: ốc vít, khuôn chế tạo, sản phẩm vỏ nhựa, bao bì…
Ví dụ như Công ty Tường Vinh sau hơn 20 năm hình thành và phát triển đã xây dựng được nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lớn với quy mô 40.000m2 và 1.000 công nhân, kỹ sư. Sản phẩm chính của công ty là motor - trái tim hoạt động của tất cả các máy móc. Hiện công ty đã gia nhập nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Hiện tại, công ty đang đặt vấn đề sẽ hợp tác sản xuất sản phẩm motor cung ứng cho các sản phẩm thiết bị, máy móc của Tập đoàn Techtronic Industrial (TTI).
Từ năm 2019 đến nay, tập đoàn TTI (đơn vị hàng đầu thế giới về sản xuất thiết bị điện không dây dùng ngoài trời và tự chăm sóc sàn xe) đã xây dựng chuỗi cung ứng nội địa với hơn 100 DN Việt Nam tham gia. TTI đang có kế hoạch nâng kim ngạch xuất khẩu của các nhà máy tại Việt Nam từ 1,2 tỷ USD/năm lên 3 tỷ USD/năm vào năm 2022. |
Trường An