Thứ Sáu, 22/11/2024 20:42:24 GMT+7
Lượt xem: 5775

Tin đăng lúc 15-05-2016

Làm thế nào để nhận biết thực phẩm sạch, an toàn?

Chưa bao giờ tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm mất vệ sinh ATTP lại ở mức báo động như hiện nay. Mỗi ngày, người tiêu dùng thường đau đầu không biết chọn sản phẩm nào cho an toàn giữa hàng loạt những thông tin khủng khiếp về thực phẩm vi phạm ATVSTP liên tiếp được phanh phui trong thời gian qua. Nào là rau muống trồng bằng nước thải hay nhúng dầu nhớt; thịt lợn thì dùng chất cấm sabutamol; thịt bò bơm nước; trái cây ngâm thuốc giục chin; măng và dưa ngâm tẩm chất vàng ô tạo mầu...
Làm thế nào để nhận biết thực phẩm sạch, an toàn?
Ảnh minh họa

Để giúp người tiêu dùng không phải hoang mang lo sợ và có những “kỹ năng” đi chợ cần thiết, Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng xin tổng hợp một số mẹo đơn giản giúp bạn phân biệt và lựa chọn được thực phẩm sạch an toàn cho cả gia đình.

 

Phân biệt rau “sạch” và rau “bẩn”

 

Mướp đắng (khổ qua): Khi chọn mướp đắng, bạn nên tránh những quả có màu sắc “mơn mởn”, thân phình to, vỏ láng bong, vì đây thường là những quả được ướp nhiều chất kích thích và dĩ nhiên chất lượng sẽ kém, nguy cơ ngộ độc khi ăn cao. Bạn nên chọn những quả có kích thước vừa phải, bề mặt vỏ có nhiều nốt sần nhỏ và cầm chắc tay sẽ an toàn và chất lượng.

 

 Nên chọn mướp đắng có gai nhỏ (nguồn: internet)

 

Rau muống: Theo lời khuyên từ các chuyên gia, bạn nên chọn rau muống có độ tốt vừa phải, thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh bình thường, vì loại rau này có vừa đủ chất hữu cơ hơn, nhìn chung sẽ an toàn cho người ăn. Không nên chọn những mớ rau có cọng quá to, quá xanh mướt.

 

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

 

Rau bí: Những loại rau bí có ngọn dài và non, lóng dài, dây cuốn to và ngắn, ít lông tơ, đặc biệt là lá bí màu xanh nhợt nhạt... là loại rau được bón quá nhiều đạm và thu hoạch chưa đủ thời gian cách ly. Bạn nên mua loại rau bí có lá xanh đậm, khoảng cách giữ các lóng gần nhau và ngọn bí có nhiều lông.

 

Rau cần: Nên tránh xa những loại rau cần có thân trắng nõn nà, phình to bất thường vì loại cần này đã được bón quá nhiều phân (phân chuồng, phân hóa học, phân bón qua lá) và phun nhiều thuốc trừ sâu bệnh. Loại cần này rất nhanh héo và cũng dễ bị độc hại khi ăn.

 

 

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

 

Rau cải: Non mơn mởn, lá màu xanh ngắt, không thấy dấu vết sâu bệnh và đều tăm tắp thì đó là rau cải được bón nhiều phân đạm nitrat. Bạn không nên sử dụng rau cải này, nhất là ăn sống.

 

Rau ngót: Khi mua rau ngót bạn không nên chọn những bó rau có lá to, xanh mướt, mỏng. Thay vào đó hãy chọn những bó lá dày vừa phải, sẫm màu.

 

 

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

 

Đậu cove: Không nên chọn những loại đậu có quả dài, bóng, ít lông tơ, phân đốt rõ, hầu như không có quả nào có vết sâu bệnh là những loại được bón nhiều phân bón lá, các chất vô cơ thấm vào quả chưa được chuyển hóa thành hữu cơ, có phun thuốc hóa học trừ sâu vào thời gian sát khi thu hoạch, ăn dễ bị ngộ độc.

 

Cà chua: Đối với cà chua chín tự nhiên sẽ không có màu đỏ tươi đồng đều mà thường chỗ vàng chỗ đỏ, thậm chí chỗ còn màu hơi xanh do những chỗ ít ánh mặt trời hơn sẽ chín chậm. Hơn nữa, cà chua “sạch” vẫn còn cuống và cứng do không trải qua quá trình ngâm hóa chất.

 

 

Cà chua chín tự nhiên có màu không đều nhau (ảnh: internet))

 

Dưa chuột: Khi mua dưa chuột nên chọn loại quả màu xanh trắng (không quá non hay úa vàng), không có vết thâm hoặc ố vàng, vỏ nhẵn mịn, cầm vào thấy chắc tay, bên ngoài có những mấu nhỏ nổi lên.

 

Giá đỗ: Những cọng giá tròn lẳn, thân trắng nõn, ít rễ là giá được ngâm ủ qua một công nghệ 'kinh dị': Khi hạt đỗ nảy mầm, người ta dùng phân bón lá trộn với các loại thuốc trừ sâu, đem pha loãng tưới lên mầm giá rồi ủ kín, thuốc có tác dụng thúc giá đỗ nảy mầm nhanh và phát triển hơn bình thường. Loại giá này khi xào sẽ có nước đục, ăn không ngon và dễ gây độc hại.

 

Trước khi chế biến rau, người nội trợ nên cắt bỏ phần gốc, tách rời từng lá, nhặt bỏ lá sâu. Sau đó, ngâm rau vào nước hòa muối khoảng 15 phút rồi rửa kỹ từng lá dưới vòi nước chảy vài lần trước khi nấu để đảm bảo sức khỏe cho chính bạn và cả gia đình.

 

Phân biệt hoa quả “sạch” và hoa quả ngậm hóa chất

 

 

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

 

Mít và sầu riêng: Khi quả chín nhưng múi lại không có mùi thơm đặc trưng là do chúng đã được tiêm hóa chất kích thích cho nhanh chín.

 

Cam, quýt, táo, lê, mận, đào...: Khi bạn nhìn thấy bề mặt quả bóng, bảo quản được lâu không bị thối hỏng tức là quả đó đã dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm tiêu diệt nấm và vi khuẩn để bảo quản.

 

Nhìn chung, nếu là hoa quả “sạch”, khi cầm lên thấy chắc tay, màu sắc tươi tắn, đường vân sớ vỏ rõ ràng. Đặc biệt, hoa quả “sạch” mới hái cầm lên cảm giác mát tay thấy rõ sự tươi mới, cuống không bị héo, màu sắc đang chín có thể không đều, thường xanh từ cuống. Ngược lại, hoa quả cũ, hoặc ngậm hóa chất có màu sắc bóng bẩy, quá đều màu và rực rỡ, hay có vết thâm do tiêm hóa chất trên thân quả, cuống ngả màu nâu đen, đôi khi có lớp phấn trắng của bột bảo quản phủ bên ngoài. Về hương vị, trái cây “sạch” luôn có mùi thơm đặc trưng nhất là khi bổ ra. Trái cây “bẩn” thường không có mùi thơm thậm chí còn có mùi lạ, một số trái cây như cam, quýt, táo còn có mùi ủng. Và một điều vô cùng quan trọng là lựa chọn trái cây phải theo mùa. Chẳng hạn, nho Ninh Thuận đúng mùa là từ tháng 2 – 7, mùa xoài thường rộ vào tháng 3 đến tháng 5 âm lịch; cam Hà Giang thu hoạch nhiều vào trung tuần tháng 11 âm lịch… Mùa nào thức nấy thì trái cây tươi mới, ít nguy cơ còn ăn quả trái mùa thì bạn sẽ gặp phải đồ bảo quản, tiêm hóa chất vì phải vận chuyển từ nơi xa đến.

 

Phân biệt thịt, cá “sạch” và “bẩn”

 

Thịt lợn: Khi thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có mỡ, thịt có mầu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt do người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng chứa nhiều hóa chất corticoid.

 

 

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

 

Để chọn được thịt heo sạch, người tiêu dùng lưu ý khối thịt sạch thường rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều, khi chế biến có mùi thơm, không bị ra nước.

 

Thịt bò: Để chọn được thịt bò thật và tươi ngon, bạn nên chọn miếng thịt có màu đỏ au, tươi hồng, thớ thịt nhỏ, dài, bề mặt thịt mịn, khô, phần mỡ và bì có màu vàng nhạt. Khi dùng tay miết vào miếng thịt sẽ thấy có độ đàn hồi và không dính phẩm màu trên tay. Màu sắc sẽ không thay đổi khi được rửa qua nước.

 

 

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

 

Thịt bò giả thường được chế biến từ thịt lợn, hoặc thịt trâu nên thớ thị sẽ khác nhau. Thịt sẽ có thớ to, ngắn hơn, bì mỡ có màu trắng, khi miết tay vào miếng thịt thấy có màu đỏ lạ ở tay thì chắc chắn thịt được biến tấu từ thịt lợn nhuộm hóa chất.

 

Cá: Cá tiêm nước, hoặc nuôi bằng thức ăn tăng trưởng thường nhẹ cân hơn cá “sạch” với cùng kích thước. Cá nuôi thường bụng to, trắng và quẫy yếu ớt chứ không khỏe bằng cá tự nhiên. Còn với cá đông lạnh thì để phân biệt đồ tươi và đồ có ngâm u-rê (giữ tươi lâu) thì bạn nhìn mắt con cá lồi, đàn hồi, hiện rõ màu các tròng mắt, vảy óng ánh bám chắc, miệng ngậm kín, mang đỏ hồng, ấn nhẹ tay lên mình cá thấy rõ độ chắc và đàn hồi là cá tươi.

 

 

Kiểm tra cá tươi bằng mang (ảnh: internet)

 

Như Quỳnh (tổng hợp)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang