Theo số liệu thống kê, hiện đã có khoảng 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện tại Việt Nam, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Số DN đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT hiện chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Muốn nội lực sản xuất vững mạnh, muốn kinh tế tự lực tự cường thì lĩnh vực CNHT phải phát triển. Việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu là xu thế tất yếu. Đặc biệt, hiện nay được coi là thời điểm vàng để DN Việt Nam có thể tận dụng được hiệu ứng lan tỏa của làn sóng dịch chuyển của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Năm 2023 với việc làn sóng đầu tư FDI tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á, dự báo dư địa phát triển ngành CNHT sẽ còn rất nhiều. Hàng trăm tỷ USD được thống kê trong kim ngạch xuất nhập khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam đã cho thấy sức hấp dẫn của lĩnh vực này.
Trong những năm qua, các DN Việt Nam có nhiều nỗ lực để thâm nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, củng cố vị thế để đảm bảo sự phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Theo số liệu của Bộ Công Thương, giai đoạn 2016- 2020, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng của các DN Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, trong đó các DN 100% vốn trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN FDI có xu hướng dịch chuyển vốn và công nghệ sản xuất sang các nền kinh tế mới nổi và ổn định như Việt Nam. Để nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam cần khắc phục các khó khăn từ chính sách chậm; chưa theo kịp xu thế công nghệ; thiếu nguồn lực về lao động lành nghề...
Nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam
Trong bối cảnh hiện tại, mức độ sẵn sàng và tiếp cận của phần lớn các DN trong ngành CNHT đối với sản xuất thông minh nhìn chung còn chưa cao. Quá trình chuyển đổi này là thách thức lớn đối với DN Việt Nam khi đa phần có quy mô nhỏ và vừa, yếu cả về nguồn lực tài chính và nhân lực. Do đó, rất cần có giải pháp về tài chính, nguồn nhân lực và cả sự hỗ trợ về thể chế cho các DN. Bên cạnh những mặt hạn chế, bức tranh ngành CNHT của Việt Nam đã có những bước khởi sắc khi các DN thuần Việt đã và đang nỗ lực để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Intech, chia sẻ: “Với lợi thế cạnh tranh là chất lượng, dịch vụ và giá thành, chúng tôi tự tin có thể mở rộng thị trường không chỉ ở trong nước mà còn trên thị trường thế giới. So với sản phẩm cùng loại, năng lực cạnh tranh sản phẩm của DN được minh chứng bằng sự lựa chọn của khách hàng. Chúng tôi đã xuất khẩu thành công sản phẩm con lăn sang thị trường Nhật Bản. Để xuất khẩu sang thị trường này không phải là vấn đề đơn giản, bởi đây là thị trường đòi hỏi rất khắt khe”.
Rõ ràng là thời điểm này các chính sách của nhà nước đang tạo điều kiện rất lớn cho DN. Đặc biệt, với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp các sản phẩm của DN có thể cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của đất nước khác. Ngoài ra, việc kết nối ngành CNHT và chế biến chế tạo của Việt Nam thực sự đã giúp tăng cường quảng bá, kết nối các DN với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.
Chính các DN cũng mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tổ chức những cuộc triển lãm giao thương, kết nối, với sức lan tỏa lớn hơn nữa trong cộng đồng các DN trong nước và cả cộng đồng DN thế giới. Mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một nơi giao thương phát triển và thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể nói, khi các rào cản từ đại dịch Covid-19 dần được xóa bỏ và nhu cầu giao thương, phục hồi sản xuất ngày càng gia tăng thì cần có những giải pháp thiết thực để các DN trong ngành công nghiệp, CNHT Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ các đối tác tiềm năng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Triển lãm VIMEXPO 2022; Hội chợ Quốc tế sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2022; Hội chợ CNHT thành phố Hà Nội năm 2022 và hàng loạt các hội chợ chuyên ngành khác đã, đang và sẽ là cầu nối giữa các DN Việt Nam và các DN nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia. Đây cũng chính là cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan, tổ chức, các hiệp hội, ngành hàng và DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT và chế biến chế tạo; giúp DN quảng bá sản phẩm, công nghệ và cơ hội đầu tư. Từ đó, giúp các DN ngành CNHT của Việt Nam từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, Việt Nam là nước có trình độ phát triển công nghiệp còn thấp, tiềm lực hạn chế, nhiều lợi thế cạnh tranh còn yếu. Do vậy, quyền chủ động của Việt Nam trong việc lựa chọn các lĩnh vực có thể xâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng hiện đang bị hạn chế về nhiều mặt. Việt Nam cần phải chủ động tăng cường sự tham gia vào các chuỗi cung ứng trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để tạo ra những lợi thế cho mình, xây dựng và củng cố vị thế của mình trong hệ thống các chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai.
Một số lĩnh vực cần được lựa chọn là: Những chuỗi cung ứng mà các DN Việt Nam đã khẳng định được vị thế và có lợi thế cạnh tranh; Những chuỗi cung ứng các sản phẩm/dịch vụ có vai trò quan trọng đối với việc ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ trog tương lai; Những chuỗi cung ứng mà việc tham gia chúng sẽ tạo ra tác động tích cực lớn đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp của Việt Nam; Những chuỗi cung ứng mà khi thâm nhập sâu cho phép tận dụng tốt các lợi thế trước mắt và góp phần giúp Việt Nam giải quyết tốt các vấn đề kinh tế- xã hội của đất nước.
Minh Phương