Khoảng hơn 20 năm trước đây, vùng đất thép Củ Chi chỉ là khu đất hoang vu, sình lầy, với những hố bom chi chít đan xen..., vậy mà, với sự cần mẫn, tâm huyết sâu nặng cùng quyết tâm cao của chính quyền địa phương, thực hiện cho được ước vọng của những người đi trước đã khai sinh ra làng nghề này. Bởi vậy, với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng, khuôn viên làng nghề “Một thoáng Việt Nam” đã được dành đầu tư, với các hạng mục như: Khuôn viên san lấp bằng 700.000 m3 đất; hơn 4.000 cây cừ tràm được đóng xuống; gần 8.000 mét đường nội bộ được mở ra, 2,3 km kênh dẫn nước, 53 căn nhà... được làm mới, nên khuôn viên rộng gần 20 ha đã nhanh chóng được họa thành bức tranh tổng thể và trên đó còn dành một góc cho các biểu tượng đặc trưng vật thể và phi vật thể để giới thiệu về cội nguồn, về nền tảng văn hóa truyền thống và con người Việt Nam...
Lúc này đây, cơ ngơi của làng nghề “Một thoáng Việt Nam” khá bề thế với các khu vực được bài bố theo phương châm gắn kết “không gian đất nước - con người”, để tất cả các khu làmng nghề, khu nhà đặc trưng của một số vùng miền, khu văn hóa ẩm thực, khu văn thơ, khu hoa thơm, cỏ lạ, khu nhà nghỉ... tất cả nằm ẩn mình dưới sự chở che của những vòm cây xanh mát. Ấn tượng mạnh để lại trong du khách chính là chất lịch sử - văn hóa rất đặc thù, với các khu trưng bày hình ảnh, hiện vật về công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời đồ đá, đồ đồng, qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần... cho đến thời hiện đại; đó là đền thờ Xã tắc (sơn hà xã tắc) với bàn thờ được đắp bằng đất và nước lấy từ các danh thắng, các điểm lịch sử ở 63 tỉnh, thành trên cả nước như: đất ở Lũng Cú, Điện Biên, ở đỉnh Hồng Lĩnh, núi Tản Viên, Cổ Loa, Lam Sơn, thành nhà Mạc, nhà Hồ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, ở một đảo nhỏ của vịnh Hạ Long, mũi Cà Mau... Trước đền Xã tắc còn trưng bày ba cây cọc gỗ Bạch Đằng - những cây cọc từng làm đắm bao thuyền giặc trên dòng sông lịch sử này, cọc được làm bằng gỗ lim, nặng và rắn như sắt, cây dày nhất khoảng 3 mét. Quan sát kỹ mới biết độ tuổi gỗ (non, già) của những cây cọc này là khác nhau. Để có đủ cọc phục vụ trận mạc, cha ông ta thời đó đã phải mở cuộc “tổng động viên” tận dụng mọi loại cây lớn, cây nhỏ tìm được.
Trong “khu không gian đất nước - con người” còn có một sa bàn bản đồ Việt Nam với chiều dài 55 mét trên nền hoa văn trống đồng được đắp bằng đá ong đan xen cùng những hình ảnh sinh động, những sơ đồ, hiện vật giới thiệu về lịch sử, địa lý Việt Nam. Chưa hết, qua khu văn hóa là khu nhà ở đặc trưng của các vùng miền: Bắc Bộ, Nam Bộ, nhà đất cổ ở Bình Định, nhà rường Huế, nhà rông Tây Nguyên, nhà dài Eede, nhà pơmu của người Mông..., là một cuộc triển lãm lộ thiên giới thiệu nếp ăn, ở, sinh hoạt của người Việt từ đồng bằng đến vùng cao. Nét độc đáo ở đây chính là trình độ kiến trúc đạt độ thẩm mỹ rất cao, các đường nét kiến trúc đã lột tả đúng thực tế, đặc biệt, từ chất liệu đến thợ làm nhà đều từ địa phương. Ví như, nhà rông Tây Nguyên do chính người Bana từ Buôn Ma Thuột xuống làm, nhà gỗ pơmu (dùng gỗ pơmu cũ mua lại) lại do chính người Mông thực hiện hoàn toàn bằng rìu... Hay nhà đất hai lớp mái độc đáo ở Bình Định (một lớp tranh dày làm mái ở trên và ngay bên dưới là một lớp đất làm trần cũng rất dày có tác dụng chống cháy và điều hòa nhiệt độ trong nhà) do thợ từ Bình Định vào làm.
Ở khu làm nghề không chỉ có một số nghề thủ công truyền thống như: Dệt lụa, khắc gỗ, làm gốm, chằm nón, đan mành tre, làm bánh tráng... mà còn có cả những nghề ít người biết đến như nghề làm giấy dó, nghề làm vàng quý (vàng bạc dát mỏng thành lá), nghề sơn son thiếp vàng. Thợ thủ công của những nghề này được tuyển từ các làng nghề địa phương, phần lớn là ở các làng nghề phía Bắc. Công việc của họ là sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu cho làng nghề nhưng họ không dấu nghề, họ sẵn sàng “trình bày” các công đoạn sản xuất, “biểu diễn” các thao tác... cho khách thăm quan. Ở điểm làm giấy dó, khách có thể cầm xem vỏ cây dó phơi khô, xem cách người thợ xeo giấy... Đã có không ít trường phổ thông đưa học sinh đến đây thăm quan, học đan lát, làm đồ gốm...
“Một thoáng Việt Nam” còn là một “bảo tàng” thực vật Việt Nam thu nhỏ. Hội tụ về đây với trên 500 loại cây, từ cây lúa, chuối, bầu, bí, mướp, cây bông vải... được trồng rải rác khắp làng, cho đến những loài cây đặc biệt hiếm thấy trong khu “hoa thơm cỏ lạ” như cây hoa súng có lá to bằng cái nia; cây súng có hoa đổi mầu theo ánh nắng; cây nắp ấm có 20 giống khác nhau và đặc biệt là cây tre có đến 50 giống được sưu tập ở trong và ngoài nước. Được biết, làng nghề vẫn đang tập trung nghiên cứu giống tre để tìm lời giải đáp cho điều nghịch lý: Việt Nam là một trong những quê hương của cây tre, cây tre gắn bó với người Việt từ trẻ nhỏ đến người già, thế nhưng sản phẩm từ cây tre đến nay hầu như vẫn chỉ làm vật dụng đơn giản, làm hàng thủ công mỹ nghệ mà thôi. Trong khi nhiều nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan đã phát triển công nghệ chế biến tre rất cao (công nghệ nanô), làm ra những sản phẩm sinh thái cao cấp như nước hoa, xà phòng, tấm lọc, sợi vải... từ than tre. Và thật thiếu sót nếu không nhắc đến khu văn hóa ẩm thực với các món ăn dân dã, truyền thống được chế biến tại chỗ cùng khu vui chơi với không ít trò chơi dân gian. Ngoài ra, đây còn có khu văn thơ dành cho khách yêu văn chương, nghệ thuật, tranh ảnh, thư pháp, tượng điêu khắc... của một số tác giả, nhân vật nổi tiếng của nền văn học Việt Nam như nhà thơ Nguyễn Công Trứ với hai cây thông biểu tượng trước sân đã minh họa cho hai câu thơ bất hủ: “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”; tượng Chí Phèo và Thị Nở...
Có lẽ, khó có thể kể hết những điều thú vị, những kiến thức mới mẻ, bổ ích về lịch sử, về thiên nhiên và văn hóa dân tộc... mà làng nghề truyền thống đã mang lại cho du khách, bởi “Một thoáng Việt Nam” đã vượt ra khỏi giới hạn của một trung tâm bảo tồn nghề truyền thống, hay một khu du lịch, giải trí thuần túy.
Anh Thư