Thứ Sáu, 22/11/2024 11:55:53 GMT+7
Lượt xem: 2601

Tin đăng lúc 21-10-2016

Lãng phí vì kiểm tra chuyên ngành

DN thủy sản phải chi tới 6 tỷ đồng/năm cho kiểm tra chất lượng hàng hóa… đang là bất cập về kiểm tra chuyên ngành.
Lãng phí vì kiểm tra chuyên ngành
Cty BIDIFISHCO cho biết với doanh thu 48 – 50 triệu USD/năm, DN này phải chi khoảng 5 – 6 tỷ đồng/năm cho kiểm tra chuyên ngành.

Tại hội thảo “tham vấn định hướng sửa đổi, bổ sung một số luật về quản lý chuyên ngành” nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù Nghị quyết 19 đã có hiệu lực từ lâu, nhưng kết quả đạt được vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra, đặc biệt là công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu.

 

Tốn kém nghìn tỷ

 

Đại diện một DN cho biết, họ nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8.000 USD, tương đương khoảng 165 triệu đồng, nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên đến 134 triệu đồng (thử nghiệm tại Quantest 1), chưa kể chi phí vận chuyển.

 

Cty BIDIFISHCO chuyên sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản thì cho biết, với doanh thu 48 – 50 triệu USD/năm, DN này cũng phải chi trả mỗi tháng phí kiểm tra chất lượng cho Nafiquad Đà Nẵng từ 400 – 500 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 5 – 6 tỷ đồng/năm.

 

Theo số liệu của Hải quan TP HCM, số lượng tờ khai nhập khẩu phục vụ cho kiểm tra chuyên ngành rất lớn. Chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm 2015, số tờ khai kiểm dịch là 28.135 tờ; kiểm tra ATTP 66.178 tờ; kiểm tra chất lượng 203.901 tờ; xin giấy phép và các loại giấy tương tự là 117.029 tờ. Với chi phí kiểm tra chuyên ngành tối thiểu cho một tờ khai là 1 triệu đồng đối với phí kiểm dịch và 2 triệu đồng đối với phí kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm thì tổng chi phí cho việc thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại hải quan TP HCM là hơn 1.136,5 tỷ đồng/năm 2015…

 

Có tiết kiệm được không?

 

Theo khảo sát của Dự án GIG, danh mục mặt hàng bắt buộc phải qua kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan quá nhiều, chiếm khoảng 30-35% hàng hóa nhập khẩu hiện nay và có nhiều mặt hàng trùng lắp phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu. Tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành khá cao. Năm 2015, có gần 390.000 tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành, chiếm trên 36%; từ năm 2016 đến nay, lượng tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành chiếm gần 40% tổng số tờ khai hải quan phát sinh, trong khi đó, tỷ lệ tờ khai phát hiện vi phạm chưa đến 0,01% trên tổng số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành.

 

Theo phía hải quan, cái mất lớn nhất chính là thời gian thông quan bị kéo dài, DN không thể đưa hàng hóa vào sản xuất, kinh doanh kịp thời làm giảm sức cạnh tranh, mất đi cơ hội của DN, từ đó ảnh hưởng tới cả mục tiêu cải cách mà Chính phủ đề ra và những nỗ lực của ngành Hải quan trong việc cải cách thủ tục thông quan.

 

Do vậy, các DN cũng như ngành hải quan đều kiến nghị nên cho áp dụng quản lý rủi ro, trên cơ sở đánh giá sự tuân thủ pháp luật của DN đối với kiểm tra chuyên ngành, như vậy giảm được gánh nặng chi phí mà các DN đang phải “gánh” bấy lâu.

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang